Cá chết ở miền Trung: Bộ Công Thương khẳng định "không đánh đổi môi trường"
Không nằm ngoài dự đoán, thông tin liên quan tới hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung, sự vào cuộc hỗ trợ của Bộ Công Thương đối với bà con ngư dân … là những câu hỏi được báo chí đặt ra nhiều đối với lãnh đạo này tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 6/5.
Sau gần 3 tháng gián đoạn vì lý do khách quan, chủ quan, Thứ trưởng Bộ Công Thương đồng thời là người phát ngôn của bộ này, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, mới có thể tổ chức lại cuộc họp báo thường kỳ để gặp gỡ và giải đáp những vấn đề liên quan tới quản lý chuyên ngành của Bộ này.
Tuy nhiên, giới hạn thời gian họp trong vòng 1 giờ đồng hồ trong khi có khá nhiều vấn đề nóng của ngành công thương thời gian qua nên nhiều câu hỏi lãnh đạo Bộ Công thương xin “khất” và trả lời báo chí qua đường công văn.
Hàng trăm cuộc điện thoại gọi tới đường dây nóng nhờ hỗ trợ
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến vụ việc cá chết hàng loạt tại nhiều tỉnh miền Trung, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Chúng ta không bao giờ đánh đổi môi trường để đổi lấy một cái gì đó”.
Thứ trưởng Hải cho rằng, chắc chắn môi trường là quan trọng nhất. Vì môi trường không chỉ ảnh hưởng đến chúng ta mà còn ảnh hưởng đến các thế hệ con cháu và nòi giống.
Thứ trưởng Hải nhắc lại phiên họp Chính phủ hôm qua, Thủ tướng đã nói rõ, tất cả các bộ ngành, cơ quan liên quan cùng tham gia làm rõ, làm nhanh để tìm ra nguyên nhân cá chết hàng loạt. Đồng thời xử lý nghiêm không loại trừ bất cứ tập thể, cá nhân nào nếu có vi phạm.
“Hiện nay, chúng ta chưa tìm ra nguyên nhân nên chưa thể nói được là xử lý ai”, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay.
Lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định, các cơ quan chức năng đang khẩn trương vào cuộc tìm ra nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung Ảnh: Tuổi trẻ |
Ông cũng khẳng định trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã cùng các bộ ngành làm quyết liệt và phối hợp rất chặt chẽ với địa phương để xử lý vụ việc cá chết, trong đó có cả việc lập đường giây nóng hỗ trợ ngư dân tiêu thụ cá đánh bắt an toàn.
“Lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Chi cục QLTT tại các địa phương và công an kiểm soát, quản lý việc tiêu thụ cá chết. Đồng thời, giúp thu mua và tiêu thụ cá đánh bắt ở vùng biển an toàn” – người phát ngôn Bộ Công Thương chia sẻ.
Ông Võ Văn Quyền - Vụ Thị trường trong nước cho biết, đường dây nóng Bộ Công thương thiết lập tại Quảng Bình, Hà Tĩnh nhằm hỗ trợ ngư dân tiêu thụ hải sản đánh bắt an toàn. Và chỉ trong thời gian rất ngắn từ thời điểm được lập ra, cơ quan này đã nhận được hàng trăm cuộc điện thoại nhờ hỗ trợ.
Đồng thời, Bộ đã tổ chức các đoàn chuyên ngành để xác nhận vùng biển an toàn, lô hàng đánh bắt xa bờ, tổ chức kết nối cung cầu thu mua hải sản cho ngư dân. Đến nay lượng cá đánh bắt về đã xác nhận an toàn và được tiêu thụ trên 200 tấn. Nhờ vậy, tín hiệu thị trường tốt lên, niềm tin tốt lên.
“Hy vọng cùng với sự vào cuộc các cấp, các ngành, tôi tin tâm lý tiêu thụ của người dân tốt hơn, trả lại niềm tin vào thị trường. Vì ngư dân, đẩy mạnh phong trào tiêu thụ cá an toàn của ngư dân như một hành động yêu nước”, ông Quyền nói.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng lưu ý, hiện nay vẫn còn nhiều người ngại tiêu thụ sản phẩm hải sản, thậm chí có hiện tượng lợi dụng tình hình để đẩy giá bán các hàng hoá khác tăng cao.
“Chúng tôi đã nhận thấy hiện tượng này và nhiệm vụ của Bộ Công thương là không để nhiều người lợi dụng tình hình tăng giá các mặt hàng thiết yếu”- ông Hải nhấn mạnh.
Cột điện đường dây 500kV đổ là “không bình thường”
Cũng tại cuộc họp, một lần nữa sự cố đổ cột điện đường dây 500 kV tại Bắc Giang lại được các cơ quan báo chí đặt ra cho lãnh đạo Bộ Công thương. Vụ việc cũng khiến dư luận đặt câu hỏi lớn về chất lượng xây dựng tuyến đường dây 500kV Bắc – Nam.
Nói về sự cố này, ông Đỗ Thắng Hải một lần nữa khẳng định, Bộ đã kịp thời xử lý sự cố này và đường dây 500kV khu vực xảy ra sự cố đã được nối lại, đưa vào sử dụng bình thường từ sáng 6/5.
Ngoài ra, hiện Bộ Công thương đã tiếp tục tổ chức đoàn thanh tra, gồm lãnh đạo Tổng cục Năng lượng, Thanh tra Bộ Công thương, Viện Năng lượng, đại diện Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của Bộ Xây dựng… tới hiện trường để điều tra, tìm hiểu nguyên nhân xảy ra sự cố. Ngay sau khi có kết luận cuối cùng sẽ thông báo kịp thời tới các cơ quan báo chí.
Nhắc lại một lần nữa quan điểm của cơ quan quản lý về sự cố này, Thứ trưởng Hải quả quyết, “Trong điều kiện bình thường mà cột điện đường dây 500kV bị đổ là không bình thường”.