Bưu điện phải là "bộ mặt" của chính quyền trong giải quyết thủ tục hành chính
Sáng 15/12, Bộ TT&TT tổ chức sơ kết 1 năm triển khai Quyết định số 45/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích (BCCI).
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu với tổng số khoảng 2.500 người tham dự.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo hội nghị từ điểm cầu Quảng Bình, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chủ trì hội nghị từ điểm cầu Thừa Thiên Huế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực và kết quả bước đầu trong việc triển khai Quyết định 45 trên cả nước. Ảnh: VGP |
Tính riêng 10 tháng đầu năm 2017, đã có 7,82 triệu lượt hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC sử dụng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện. Trong đó có khoảng 4,3 triệu hồ sơ 2 chiều (cả tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả), gần 3,5 triệu lượt hồ sơ 1 chiều (tiếp nhận hồ sơ hoặc trả kết quả).
Điển hình là các lĩnh vực: Tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm xã hội (giải quyết chế độ thai sản, ốm đau, thất nghiệp); cấp đổi giấy phép lái xe; cấp lý lịch tư pháp; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp bản sao bằng tốt nghiệp; thủ tục xin nhận con nuôi; cấp và cấp lại các chứng chỉ, chứng nhận về y, dược, bán thuốc bảo vệ thực vật; cấp bản sao giấy khai sinh; đăng ký thành lập doanh nghiệp...
Nếu tính chung các giao dịch có tính chất hành chính công, trong 10 tháng đầu năm 2017, ước tính Bưu điện đã thực hiện được hơn 10 triệu lượt giao dịch.
Theo Phó Thủ tướng, để có được chính phủ điện tử, cần có 3 việc cụ thể cần làm: Một là, nhất định phải tổ chức xử lý hồ sơ công việc của bộ máy hành chính bằng máy tính trên mạng liên thông ở tất cả các cấp chính quyền.
Hai là, nhất định phải tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phải có cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến (năm ngoái có 124.000 dịch vụ công, vừa rồi thống kê lại có 109.000 dịch vụ, nếu chuẩn hóa lại tốt thì chỉ còn khoảng 7.000 dịch vụ công, bởi nhiều dịch vụ ở xã, huyện gọi tên khác nhau), và phải lấy dịch vụ công trực tuyến cấp 3 – 4 làm tiêu chí phấn đấu.
Ba là, tất cả dữ liệu phải được kết nối, nói nôm na là phải nộp vào kho chung của Chính phủ, được quản lý theo quy định chung của Bộ TT&TT, những dữ liệu như một mỏ tài nguyên cho mọi người cùng khai thác thì mở ra, còn những dữ liệu nào cần quản lý riêng thì để riêng. Các Bộ, ngành, địa phương cần thuê dịch vụ, không để các trung tâm công nghệ thông tin, Sở TT&TT tự làm.
Về việc cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: Thời gian qua, Bưu điện đã làm tốt việc là “cánh tay nối dài”, “bộ mặt” của các cơ quan hành chính nhà nước, song như thế vẫn chưa đủ, thời gian tới, cần phải là “tai, mắt, miệng”, là đại diện của chính quyền.
Phó Thủ tướng chỉ đạo cụ thể một số công việc mà Bưu điện cần làm trong thời gian tới: “Cần phải làm sao để nhân viên bưu điện hiểu rõ các TTHC, tư vấn cho bà con nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Bưu điện phải đặt cho mình mục tiêu phấn đấu thành người đại diện cho chính quyền. Trước hết, những dịch vụ nhiều người dân cần nhất thì làm trước.
Bên cạnh đó, với tinh thần sát thực tiễn từ cơ sở lên, những vấn đề gì người dân quan tâm, thắc mắc, đòi hỏi thì nhân viên bưu điện ghi chép, tổng hợp lên. Một vấn đề được hàng triệu người dân quan tâm thì ở cấp trên sẽ tập trung làm chuẩn dịch vụ, vấn đề đó rồi nhân rộng toàn quốc. Chính điều này góp phần làm chuẩn hóa các TTHC, quy trình xử lý, phương thức xử lý TTHC.
Ngoài ra, với sự chỉ đạo của Bộ TT&TT, Bưu điện đã tham gia ngay từ đầu vào quá trình xây dựng Chính phủ điện tử. Việc chúng ta làm hôm nay chỉ là một khâu trong cung cấp dịch vụ công cấp 3 - 4, thậm chí có một số công việc tới đây làm tới cấp 4, không cần Bưu điện nữa, cần xác định rằng chỉ làm trong một số tháng, một số năm nhất định, không làm chậm quá trình triển khai dịch vụ công cấp 4 mà phải đẩy nhanh hơn quá trình này. Còn nhiều dịch vụ vẫn cần bưu điện làm tiếp”.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương triển khai đầy đủ, sâu rộng Quyết định số 45 |
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định: Thời gian qua, việc triển khai Quyết định số 45 đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Đây là một trong những biện pháp cải cách có tính đột phá, góp phần đổi mới phương thức phục vụ nhân dân của các cơ quan hành chính nhà nước, cung cấp thêm sự lựa chọn cho tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc làm thủ tục hành chính, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, những địa bàn khó khăn.
Với phương thức phục vụ này, ngành Bưu điện từng bước trở thành “cánh tay nối dài”, “bộ mặt” của các cơ quan hành chính nhà nước khi chia sẻ, thực hiện một số công đoạn trong quy trình thực hiện TTHC góp phần giảm chi phí liên quan đến hoạt động của các bộ phận “một cửa”, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy hành chính.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu. |
Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương triển khai đầy đủ, sâu rộng Quyết định số 45, nhằm mục đích vì nhân dân phục vụ ở một số nội dung chính:
Thứ nhất, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng dưới nhiều hình thức về chủ trương của nhà nước trong công tác cải cách hành chính thông qua việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI. Các cơ quan báo chí cần tăng cường tuyên truyền về nội dung này.
Thứ hai, tăng cường ứng dụng CNTT trong việc giải quyết TTHC, kết nối mạng thông tin phục vụ việc triển khai Quyết định số 45, để mang lại hiệu quả cao hơn trong việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI nói riêng và đẩy mạnh cải cách hành chính nói chung.
Thứ ba, tăng cường tập huấn cho nhân viên bưu chính trong việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI nhằm đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả, thuận tiện, phục vụ tốt nhất yêu cầu của người dân.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam Chu Lan Hương:
"Thời gian tới, Vietnam Post sẽ mở rộng các điểm cung cấp dịch vụ đến tận từng xã, phường, thị trấn để phục vụ người dân. Để mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ, đem lại nhiều lợi ích hơn cho người dân, doanh nghiệp, lãnh đạo Vietnam Post đề nghị Chính phủ có nghị quyết đầu năm 2018 đối với công tác xây dựng đề án triển khai nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công qua mạng bưu chính công ích".