BT Đinh Tiến Dũng: “Nhìn lại là khuyết điểm nhưng nhìn sâu...cũng là thành tích”
Sáng nay (15/6), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước 2014.
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2014 được triển khai thực hiện trong điều kiện tình hình chính trị - kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, áp lực lạm phát và cơ cấu lại nền kinh tế lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh tuy đã có bước phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, hàng tồn kho và nợ xấu còn lớn, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp phải thu hẹp hoặc tạm dừng hoạt động...
Mặc dù vậy, dự toán thu NSNN đạt 782.700 tỷ đồng, khi quyết toán đạt 877.697 tỷ đồng; tăng 12,1% (94.997 tỷ đồng) so với dự toán chủ yếu do tăng thu từ dầu thô và tăng thu tiền sử dụng đất, thuế nhập khẩu, và thu từ các khu vực kinh tế; trong đó ngân sách trung ương tăng 43.165 tỷ đồng; ngân sách địa phương tăng 51.832 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Tài chính, tính đến 31/12/2014, so với GDP thực tế, dư nợ Chính phủ bằng 46,4%, dư nợ ngoài nước của quốc gia bằng 38,3%, nợ công bằng 58,0%. Đây là tỷ lệ trong giới hạn theo quy định của Chính phủ và của Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Tuấn Minh) |
Tại cuộc họp, đề cập đến việc giải ngân vốn ngoài nước tăng 36.952 tỷ đồng, trong đó có 10.782,7 tỷ đồng do chuyển đổi vốn ODA từ hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra cho biết, theo Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2014, bội chi NSNN là 224.000 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP. Nhưng theo báo cáo quyết toán NSNN 2014, bội chi NSNN là 260.145 tỷ đồng, bằng 6,61%GDP, tăng 36.145 tỷ đồng so với dự toán, trong đó tăng chi từ vốn ngoài nước 36.952 tỷ đồng, tiết kiệm chi nguồn trong nước 807 tỷ đồng.
Trước sự việc trên, ông Hải cho biết, đa số ý kiến Thường trực UBTCNS cho rằng, theo quy định tại Điều 49 Luật NSNN hiện hành, trường hợp giải ngân vốn ODA vượt dự toán lớn, Chính phủ phải trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh dự toán và báo cáo Quốc hội. Đồng thời, tại báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2014, triển khai dự toán năm 2015, Ủy ban TCNS đã đề nghị Chính phủ thực hiện đúng quy định này.
“Đến nay, Chính phủ chưa báo cáo với Uỷ ban thường vụ Quốc hội về số tăng giải ngân vốn ODA vượt dự toán, thể hiện việc chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Vì vậy, để bảo đảm thực hiện nghiêm quy định tại khoản 2 Điều 55 Hiến pháp và quy định của Luật NSNN, đề nghị loại ra khỏi quyết toán chi NSNN năm 2014 vốn ngoài nước 36.952 tỷ đồng”, ông Nguyễn Đức Hải nói.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đọc báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Tuấn Minh) |
Ngoài ý kiến trên, một số ý kiến trong Uỷ ban Tài chính – Ngân sách đề nghị, mặc dù chi vượt dự toán nhưng khoản chi vượt dự toán do giải ngân nhanh nguồn vốn ODA đã diễn ra tương tự từ nhiều năm trước và đã được Quốc hội cho phép quyết toán theo số thực tế. Mặt khác, từ năm 2015, Chính phủ đã có báo cáo với Quốc hội về việc điều chỉnh dự toán do dự báo tăng giải ngân nguồn vốn ODA. Vì vậy, nhất trí cho phép quyết toán chi NSNN năm 2014 như đề nghị của Chính phủ.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, trong số giải ngân vốn ODA vượt dự toán có 10.782,7 tỷ đồng do Chính phủ chuyển đổi vốn ODA tại một số dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đang thực hiện theo hình thức cho vay lại sang hình thức nhà nước đầu tư trực tiếp nhưng chưa báo cáo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, chưa bảo đảm đầy đủ điều kiện cần thiết theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Hiến pháp và khoản 2 Điều 5 Luật NSNN hiện hành. Do đó, đề nghị loại khỏi quyết toán chi NSNN năm 2014 số tiền 10.782,7 tỷ đồng.
Trước ý kiến trên, báo cáo thêm tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc bố trí vốn ODA giải ngân hàng năm đều đạt thấp, không đi vào thực chất thì đến nay đã khắc phục một bước của giai đoạn 2016-2020. Trước đây chỉ bố trí khoảng 17.000-18.000 tỷ đồng thì nay bố trí 250.000 tỷ cho 5 năm.
“Dự toán đã có nhưng vượt dự toán, nhìn lại là khuyết điểm, nhưng nhìn sâu cũng là thành tích, cần nhìn cả quá trình. Nếu trước đây giải ngân chậm thì giai đoạn 2014-2015 đã đẩy giải ngân ODA lên khá cao. Việc đề nghị cho vào quyết toán 2014 cũng là một bước minh bạch hoá”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu ý kiến.