Bốn năm lỡ hẹn, đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn "hẹn nữa, hẹn mãi"
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư hơn 550 triệu USD (gần 8.800 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Sau đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng lên 868 triệu USD (18.000 tỷ đồng).
Đến nay qua 4 đời Bộ trưởng GTVT dự án vẫn chưa thể hoàn thành.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư hơn 550 triệu USD (gần 8.800 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Sau đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng lên 868 triệu USD (18.000 tỷ đồng).
Đến nay qua 4 đời Bộ trưởng GTVT dự án vẫn chưa thể hoàn thành.
Dự án được khởi công tháng 10/2011, dự kiến đưa vào khai thác tháng 6/2015. Thế nhưng đến tháng 7/2015, tổng thầu EPC - công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc báo cáo mới đạt 30-50% khối lượng và xin lùi tiến độ.
Lãnh đạo Bộ GTVT lúc này đã yêu cầu thay lãnh đạo tổng thầu và yêu cầu phải đưa dự án đúng mốc 30/6/2016.
Đến giữa năm 2016, dự án lại lỗi hẹn vì thi công quá chậm. Bộ GTVT ra "tối hậu thư" 31/12/2016, tổng thầu phải hoàn thành xây lắp, cuối quý 2/2017 sẽ vận hành chính thức.
Thế nhưng tổng thầu EPC lại thất hứa và xin lùi đến đầu năm 2018.
Đầu năm 2018, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng xin lùi tiến độ trong quý 4/2018. Bộ này cũng đưa ra thời hạn 3-6 tháng để vận hành chạy thử trước khi đưa vào khai thác thương mại.
Tháng 9/2018, dự án đưa vào chạy thử liên động toàn hệ thống. Các đơn vị chức năng cam kết thúc đẩy quá trình này đưa vào khai thác thương mại trước Tết âm lịch Kỷ Hợi.
Tuy nhiên, việc này đã không thực hiện được. Lãnh đạo Bộ GTVT đặt mốc vận hành mới vào tháng 4/2019.
Dịp 30/4, dự án tiếp tục “án binh bất động”.
Hôm 1/10 vừa qua, sau khi thị sát công trình dự án cùng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vẫn không thể “chốt” thời gian đưa dự án vào vận hành thương mại, thay vào đó ông chỉ bày tỏ mong muốn các bên tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cố gắng từ 1-1,5 tháng nữa có thể vận hành thương mại dự án từng phần.
Kiểm toán Nhà nước kết luận, việc nâng tổng mức đầu tư dự án (giai đoạn 2011-2016) khi chưa báo cáo Thủ tướng để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội là chưa đúng luật.
Lý giải kết quả Kiểm toán Nhà nước, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, từ khi khởi công dự án đến cuối năm 2015, chủ đầu tư phải thực hiện hình thức duyệt, tạm duyệt dự toán để có cơ sở thực hiện một số hạng mục xây lắp để tạm thanh toán giá trị khối lượng cho Tổng thầu nhằm thúc đẩy tiến độ dự án trong giai đoạn này.
Bộ GTVT đã có báo cáo, giải trình với Kiểm toán Nhà nước và sẽ nghiêm túc thực hiện các kết luận mà Kiểm toán Nhà nước nêu ra, báo cáo Thủ tướng các nội dung vượt thẩm quyền.
Tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 5/6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, khi ta ký hiệp định vay với Trung Quốc, họ đã chỉ định nhà tổng thầu này thực hiện dự án.
Khi thực hiện thì thấy tổng thầu này xây dựng đường sắt rất tốt nhưng vận hành thiếu kinh nghiệm.
“Thi công đường sắt khác với vận hành các tàu, do đó chúng tôi đánh giá tổng thầu này thiếu kinh nghiệm.
Chúng tôi làm việc với Đại sứ quán, Bộ Giao thông Trung Quốc rất nhiều lần để làm sao cải thiện tình hình, cố gắng đưa dự án sớm đi vào vận hành”, ông Thể nói.
TP Hà Nội đã chỉ đạo công ty đường sắt Hà Nội đang đào tạo khoảng 800 người sử dụng phương tiện này.
“Đội ngũ 800 người này phải am hiểu thuần thục thì chúng ta mới vận hành thương mại, chứ vận hành thương mại mà xảy ra sự cố thì rất nghiêm trọng”, ông Thể nêu.
Nhiều nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ cũng được Bộ GTVT đưa ra: Thiết kế cơ sở ban đầu còn sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng, nên phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật; chờ nhà tài trợ (phía Trung Quốc) phê duyệt hợp đồng, cấp hiệu lực cho hiệp định vay vốn bổ sung.
Cách thức triển khai dự án ở mỗi nước có sự khác biệt, đặc biệt là cách thức lập hồ sơ thiết kế, hồ sơ nghiệm thu thanh toán.
UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm về chậm trễ trong giải phóng mặt bằng; tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng…
Hiện dự án còn 1% chưa hoàn thành liên quan đến việc đánh giá an toàn từ khâu thiết kế, thi công, lắp đặt thiết bị và vận hành hệ thống.
Phía tổng thầu Trung Quốc cũng xác nhận, công trình còn một số vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu các hạng mục cũng như toàn bộ dự án. Ngoài ra dự án còn có những khác biệt giữa thủ tục nghiệm thu giữa hai nước.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 2/10, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông nói rõ: Tổng thầu Trung Quốc cung cấp không đầy đủ hồ sơ để đánh giá an toàn đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Bộ GTVT đã thuê đơn vị tư vấn độc lập của Pháp để đánh giá an toàn hệ thống, tuy nhiên tổng thầu Trung Quốc cung cấp không đầy đủ hồ sơ để đánh giá.
Ngày 1/10, sau khi thị sát công trình dự án, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng "truy" tổng thầu Trung Quốc Đường Hồng, Giám đốc dự án về tiến độ, chất lượng đường sắt Cát Linh - Hà Đông: “Các ông hứa bao giờ làm xong?”.
Ông Đường Hồng nói: "Tổng thầu cũng rất sốt ruột! Chúng tôi càng kéo dài thời gian thì lợi nhuận cũng như thành quả càng kém, vì vậy chúng tôi cũng muốn hoàn thành nhanh để bàn giao...”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết mỗi năm TP vẫn phải trả lãi vay gần 300 tỷ đồng cho vận hành dự án.
Thừa nhận dự án chậm trễ khiến Hà Nội phải tốn kém nuôi bộ máy, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể bày tỏ mong muốn Tổng thầu, Ban quản lý dự án, TP Hà Nội và Tư vấn tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cố gắng từ 1-1,5 tháng nữa có thể vận hành thương mại dự án từng phần...
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 12/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT thúc đẩy giải quyết, chủ trì xử lý những vấn đề đặt ra, nhấn mạnh tinh thần thúc đẩy sớm đưa tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động.
Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đã giao Ban cán sự đảng UBND TP xây dựng dự thảo báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo với Ban Bí thư về các khó khăn, vướng mắc của dự án và xin ý kiến chỉ đạo.
Thời gian vận hành chính thức của đường sắt Cát Linh-Hà Đông đến nay vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp!