Bộ TT&TT tổ chức hội thảo về định hướng phát triển ngành 2016 - 2020
Đây là một trong những hoạt động được tổ chức nhân dịp lần đầu tiên kỷ niệm Ngày thành lập ngành TT&TT (28/8). Tham dự hội thảo có nhiều cán bộ lão thành của ngành TT&TT cùng đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng ôn lại truyền thống lịch sử của ngành TT&TT: “Ngày 28/8/1945, Chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu tuyên cáo trước quốc dân đồng bào và thế giới về việc thành lập Chính phủ nước Việt Nam mới. Giúp việc cho Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam có 12 Bộ, trong đó có Bộ Thông tin và Tuyên truyền, Bộ Giao thông và Công chính, là tiền thân của Bộ TT&TT ngày nay”.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu khai mạc Hội thảo sáng 16/8 tại Hà Nội. |
Điểm lại quá trình phát triển từ thời kháng chiến đến thời bình, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhận định: “Từ một ngành lạc hậu về kỹ thuật, thiếu thốn về cơ sở vật chất và nhiều hạn chế trong quản lý, kinh doanh, trải qua các giai đoạn phát triển, đến nay, ngành TT&TT đã trở thành một ngành vững về chính trị, mạnh về kinh tế, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, có tốc độ phát triển cao về quy mô, doanh thu và thị trường, có tỷ trọng đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân đã ghi nhận ngành TT&TT là một trong những ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước”.
Thứ trưởng Bộ TT&TT đặc biệt lưu ý: “Sự hội tụ cả 5 lĩnh vực của ngành (gồm Bưu chính, Viễn thông, CNTT, Báo chí, Xuất bản – In và Phát hành), trong đó lấy CNTT-TT làm nền tảng, đang diễn ra rất mạnh mẽ, mang đến nhiều cơ hội, nhưng mặt khác cũng tạo ra những thách thức không nhỏ cho công tác quản lý nhà nước như đảm bảo an toàn thông tin, chất lượng thông tin phù hợp với lợi ích của xã hội, bảo vệ thông tin cá nhân và chủ quyền số quốc gia...”.
Toàn cảnh hội thảo. |
Ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT sau khi phân tích những thành tựu cụ thể của ngành TT&TT thời gian qua, cũng đã nhấn mạnh tới những thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của ngành.
Cụ thể, kết cấu hạ tầng bưu chính dù được phát triển tốt hơn nhưng mạng lưới vẫn còn manh mún, phân tán; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, nhiều nơi còn lao động thủ công, năng suất thấp...
Kết cấu hạ tầng viễn thông được phát triển hiện đại nhưng chưa thực sự đồng bộ, đều khắp, chất lượng mạng lưới, dịch vụ chưa cao; hiệu quả đầu tư còn bất cập, chồng chéo...
Công nghiệp CNTT phát triển còn manh mún, thiếu công nghiệp hỗ trợ, chưa xác định được những sản phẩm đặc thù có khả năng xâm nhập và cạnh tranh cao trên thị trường thế giới. Chưa hình thành được doanh nghiệp CNTT thương hiệu của Việt Nam mang tầm khu vực, chủ yếu dựa vào công nghệ của nước ngoài. Ứng dụng CNTT trong xã hội, cơ quan, doanh nghiệp còn thiếu và yếu.
Công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tần suất tấn công mạng và mức độ phức tạp ngày càng cao...
Hệ thống báo chí nhiều về số lượng nhưng chất lượng nhiều tờ báo, tạp chí chưa đáp ứng yêu cầu, gây lãng phí nguồn lực của xã hội trong bối cảnh thông tin qua mạng Internet rất nhanh và đa dạng về nội dung cũng như hình thức thể hiện.
Ngành xuất bản, in, phát hành vẫn gặp nhiều khó khăn. Đa số nhà xuất bản hoạt động kinh doanh cầm chừng, thậm chí thua lỗ.
Trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cuộc cách mạng công nghệ số, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT cho biết ngành TT&TT đã xác định một số định hướng phát triển trong giai đoạn 2016 – 2020.
Cụ thể, với lĩnh vực bưu chính, hoàn thiện pháp luật, trong đó đặc biệt quan tâm tới cơ chế pháp lý mới; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động bưu chính...
Với lĩnh vực viễn thông, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước theo hướng hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao; ưu tiên áp dụng các công nghệ viễn thông tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường...
Với lĩnh vực CNTT, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư và tăng cường hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp điện tử tại Việt Nam; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, mô hình quản lý, nghiên cứu và phát triển, đào tạo nhân lực...; xây dựng các thế hệ ứng dụng thông minh như thành phố thông minh, giao thông thông minh, tiến tới hình thành xã hội thông minh...
Với lĩnh vực báo chí, tập trung nguồn ngân sách theo cơ chế đặt hàng cho những cơ quan báo in có thương hiệu tốt, tính chính trị, tính định hướng cao để có được những ấn phẩm hấp dẫn; hệ thống phát thanh – truyền hình đổi mới theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện...
Với lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, hiện đại hóa cơ sở vật chất, từng bước nâng cấp và hiện đại hóa về mặt công nghệ, phương tiện kỹ thuật cho các nhà xuất bản, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động xuất bản; tăng cường ứng dụng CNTT-TT vào công tác in và phát hành; rà soát và tái cơ cấu các cơ sở in..../.