Bộ TT&TT sẽ cấp phép băng tần 4G trong tháng 11/2018
Cục Tần số Vô tuyến điện sẽ chủ trì triển khai cấp phép băng tần 2.6GHz nhằm phát triển dịch vụ 4G cho các doanh nghiệp viễn thông trong tháng 11/2018. |
Trao đổi với ICTnews ngày 17/8/2018, ông Lê Văn Tuấn, Phụ trách Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết Cục đang hoàn tất các thủ tục cho việc cấp phép 4G.
Trước đó, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc tập đoàn Viettel vừa kiến nghị Bộ TT&TT sớm triển khai đấu giá băng tần 2.6 GHz cho 4G bởi băng tần 1800 MHz cấp cho 4 nhà mạng không đủ để đảm bảo chất lượng dịch 4G cho khách hàng. Ông Hoàng Sơn cho rằng, với băng tần 4G hiện nay không đủ để nhà mạng triển khai 4G chất lượng tốt. Phía Viettel đưa ra giải pháp nếu trong trường hợp việc đấu giá 4G chưa thực hiện được thì cho doanh nghiệp mượn băng tần này và vẫn đóng phí tần số như quy định hiện hành để đảm bảo chất lượng dịch vụ 4G cung cấp cho khách hàng. Ông Sơn nhấn mạnh, nhu cầu có thêm băng tần của nhà mạng rất bức thiết, trong khi đó băng tần 2.6 GHz vẫn đang bỏ không sẽ gây lãng phí. Sau khi Bộ TT&TT tiến hành đấu giá băng tần nhà mạng sẽ trả lại băng tần này cho Bộ.
Trước kiến nghị của Viettel, Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, với băng tần 1800 MHz đã cấp cho 4 nhà mạng thì không đủ để cung cấp dịch vụ 4G có chất lượng đúng tiêu chuẩn. Việc cung cấp dịch vụ 4G đúng nghĩa 4G sẽ chỉ được thực hiện khi cấp phép cho nhà mạng băng tần 2.6 GHz. Tuy nhiên, đấu giá băng tần 2.6 GHz đang gặp khó khăn bởi phải tuân thủ theo Luật Đấu giá mới nên phải tạm dừng. Bộ TT&TT đang kiến nghị với Thủ tướng về những khó khăn này.
Theo lộ trình mà Bộ TT&TT đưa ra trước đấy, hồ sơ đấu giá tần số 2.6 GHz cho 4G chính thức được phát hành ngày 30/6/2017 và các doanh nghiệp viễn thông sẽ có 3 tháng để hoàn thiện hồ sơ. Trong đợt đấu giá sẽ có 4 giấy phép băng tần được cấp, trong đó có 3 giấy phép là 40 MHz và có 1 giấy phép chỉ có 20 MHz. Cụ thể, khối băng tần A2-A2’: 2.510-2.530 MHz và 2.630-2.650 MHz sẽ có 40 MHz, khối băng tần B-B’: 2.530-2.550 MHz và/ 2.650-2.670 MHz có 40 MHz và khối băng tần C-C’: 2.550-2.570 MHz và 2.670-2.690 MHz có 40 MHz. Riêng khối băng tần A1-A1’: 2.500-2.510 MHz và 2.620-2.630 MHz chỉ có 20 MHz.
Việt Nam có 5 mạng di động là Viettel, MobiFone, VinaPhone, Gtel và Vietnamobile. Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, mỗi doanh nghiệp viễn thông sẽ chỉ được cấp phép 1 giấy phép 4G ở băng tần 2.6 GHz. Các doanh nghiệp trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm. Doanh nghiệp trúng đấu giá, khi triển khai hệ thống thiết bị vô tuyến điện phải tuân thủ điều kiện sử dụng băng tần.
Tại buổi làm việc mới đây với Bộ TT&TT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải khẩn trương phân bổ quyền sử dụng băng tần 2.6GHz cho các doanh nghiệp viễn thông để nâng cao chất lượng dịch vụ 4G và phát triển 5G bởi thực tế việc phân bổ băng tần viễn thông phục vụ phát triển, hoàn thiện chất lượng dịch vụ mạng 4G, tiến tới 5G còn lúng túng, chậm trễ. Theo thống kê thì tốc độ mạng 4G tại Việt Nam đứng thứ 75 trên thế giới.
Tại buổi họp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì với các bộ ngành ngày 26/7/2018, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đề nghị các bộ ngành cùng đồng thuận trong giải quyết các thủ tục để cấp phép sớm băng tần 4G, bởi không thể nào chấp nhận mạng 4G mà chất lượng kém như hiện tại.