Bộ TT&TT làm gì để đưa Việt Nam vào nhóm 75 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử?
Một mục tiêu được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết 02 ban hành ngày 1/1/2019 là năm 2020 nâng xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc lên 10-15 bậc (Ảnh minh họa: Internet) |
Tại Nghị quyết 02 được ban hành ngày đầu tiên của năm 2019, Chính phủ đã đề ra mục tiêu phải nâng xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc lên 10-15 bậc. Bộ TT&TT được Chính phủ giao làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử.
Tiếp đó, trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ, thứ hạng Việt Nam về các lĩnh vực thuộc Bộ TT&TT phụ trách còn thấp, thậm chí có xu thế tụt hạng. CNTT và Truyền thông (ICT) đáng lẽ là lĩnh vực đầu tàu thì tốc độ tăng trưởng những năm gần đây chậm lại nhiều, chưa đi đầu về công nghệ, về cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhấn mạnh Việt Nam phải có thứ hạng cao về ICT bởi đây là nền tảng của các lĩnh vực khác, nền tảng của kinh tế số, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cụ thể yêu cầu với nhiệm vụ nâng cao thứ hạng về Chính phủ điện tử của Việt Nam, đó là chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam năm 2020 phải tăng ít nhất 15 bậc so với năm 2018. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TT&TT phải là chủ công về Chính phủ điện tử và các Sở TT&TT phải là hạt nhân triển khai Chính quyền điện tử ở các địa phương.
Những năm gần đây và đặc biệt là năm 2018, với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT đã quyết liệt chỉ đạo nâng cao Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc ở cả 3 chỉ số thành phần gồm: chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI), chỉ số hạ tầng viễn thông (TII) và chỉ số nguồn lực (HCI).
Kết quả, mặc dù chưa đạt mục tiêu mong muốn song theo báo cáo của Liên hợp quốc, qua 3 kỳ đánh giá gần đây lần lượt vào các năm 2014, 2016 và 2018, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đã liên tục tăng, từ mức 0,47 năm 2014 lên mức 0,51 vào năm 2016 và đạt trên 0,59 vào năm 2018, đưa Việt Nam tăng từ hạng 99 (năm 2014) lên 89 (năm 2016) và tiếp tục nâng lên thứ hạng 88/193 quốc gia, đứng thứ thứ 6/11 quốc gia trong khu vực ASEAN.
Trong kế hoạch công tác năm 2019, Bộ TT&TT đã xác định rõ một trong những nhiệm vụ sẽ được Bộ tập trung triển khai trong năm nay là nâng xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc. Bộ TT&TT xác định, phấn đấu đến hết năm 2020, Việt Nam vào nhóm 75 quốc gia dẫn đầu về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.
Để triển khai nhiệm vụ trên, tại Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 02 ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phê duyệt theo Quyết định 51/QĐ-BTTTT, Bộ TT&TT đã phân công cụ thể các cơ quan, đơn vị làm đầu mối theo dõi các chỉ số thuộc trách nhiệm của Bộ TT&TT. Theo đó, với bộ chỉ số Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, Cục Viễn thông được giao làm đầu mối chủ trì theo dõi chỉ số thành phần về Cơ sở hạ tầng viễn thông, 2 chỉ số thành phần khác là Dịch vụ công trực tuyến và Nguồn nhân lực cùng chỉ số phụ về Mức độ tham gia trực tuyến đều được giao cho Cục Tin học hóa chủ trì theo dõi.
Kế hoạch của Bộ TT&TT cũng nêu rõ, các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm chủ trì theo dõi các chỉ số thuộc trách nhiệm của Bộ có nhiệm vụ: xây dựng kế hoạch chi tiết, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách lĩnh vực để chỉ đạo thực hiện; phối hợp với Viện Chiến lược TT&TT xây dựng tài liệu hướng dẫn để có cách hiểu đúng, thống nhất về các bộ chỉ số, nhóm chỉ số, chỉ số thành phần, các mục tiêu, mẫu biểu báo cáo; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện các chỉ số, kịp thời báo cáo Bộ những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ; phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế để chủ động kết nối với các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia; xây dựng kênh thông tin, cơ sở dữ liệu, cập nhật đầy đủ, kịp thời để đánh giá, xếp hạng khách quan, chính xác.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Cục Tin học hóa có trách nhiệm triển khai xây dựng và trình ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam giai đoạn 2018 – 2020; trình Bộ văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử (đối với cấp bộ), Kiến trúc Chính quyền điện tử (với cấp tỉnh).
Cục Tần số vô tuyến điện chủ trì phối hợp với Cục Viễn thông, Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Vụ KH&CN và các đơn vị liên quan báo cáo Bộ để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai cấp phép khai thác băng tần 2,6GHz theo quy định.
Cục Viễn thông chủ trì đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhằm nâng cao chỉ số về viễn thông, Internet. Trong quý I/2019, Cục Viễn thông được yêu cầu phải báo cáo Lãnh đạo Bộ các giải pháp nâng cao chỉ số viễn thông, Internet và tổ chức triển khai.
Viện Chiến lược TT&TT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu về cải thiện các chỉ số, xây dựng báo cáo về các chỉ số quốc tế liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TT&TT đã quy định tại Nghị quyết 02 của Chính phủ, trong đó có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc.
Cùng với đó, Viện Chiến lược TT&TT còn được giao chủ trì xây dựng tài liệu hướng dẫn các chỉ số thuộc trách nhiệm làm đầu mối, chủ trì theo dõi của Bộ để có cách hiểu đúng, thống nhất về các bộ chỉ số, nhóm chỉ số, chỉ số thành phần, các mục tiêu, mẫu biểu báo cáo; gửi Trung tâm thông tin công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT sau khi được Lãnh đạo Bộ phê duyệt; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng Đề án phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực TT&TT trình Bộ TT&TT…
Trung tâm thông tin chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan trình Bộ TT&TT phê duyệt kế hoạch và tổ chức triển khai việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, bảo đảm ít nhất 30% số dịch vụ công của Bộ được giải quyết ở cấp độ 4; nghiên cứu, xây dựng Đề án của Bộ về giải quyết kỹ thuật kết nối đồng bộ hệ thống VNACC/VCIS và tất cả các thủ tục hành chính về quản lý, kiểm tra chuyên ngành vào Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN…
Cũng tại Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, Bộ TT&TT cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng khác của Bộ như Vụ Pháp chế, Vụ KH&CN, Văn phòng Bộ, Vụ Hợp tác quố tế, Vụ Quản lý doanh nghiệp cùng các Cục Báo chí; Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; Thông tin đối ngoại.