Bộ TT&TT được giao những nhiệm vụ gì theo Nghị quyết mới về Chính phủ điện tử?
Chính phủ đặt mục tiêu nâng xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc tăng từ 10 đến 15 bậc năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc đến năm 2025 (Ảnh minh họa: Internet) |
Trong phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải nâng cao thứ hạng về Chính phủ điện tử (CPĐT) của Việt Nam, đưa chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam năm 2020 tăng ít nhất 15 bậc so với năm 2018. Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Bộ TT&TT phải là chủ công trong xây dựng CPĐT và các Sở TT&TT phải là hạt nhân triển khai Chính quyền điện tử (CQĐT) ở các địa phương.
Ngày 7/3/2019, “Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025”-văn bản được xem như “kim chỉ nam” cho các bộ, ngành, địa phương trong triển khai xây dựng CPĐT giai đoạn phát triển mới, đã chính thức được ban hành. Bản Nghị quyết mới đã đề ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, với phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chủ trì và thời hạn phải hoàn thành.
Xây dựng xong Nghị định thay thế Nghị định 102, Quyết định 80 trong tháng 3
Trong đó, với Bộ TT&TT, về xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai xây dựng, phát triển CPĐT, Chính phủ giao Bộ chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 102 ngày 6/11/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Quyết định 80 ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước, hoàn thành trong tháng 3/2019; xây dựng các văn bản hướng dẫn về phương pháp xác định chi phí thuê dịch vụ CNTT, mẫu hợp đồng thuê dịch vụ CNTT và văn bản hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư CNTT, phù hợp với thực tế và đặc thù ngành CNTT, hoàn thành trong tháng 7/2019.
Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu, các văn bản hướng dẫn, hoàn thành trong tháng 9/2019; xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức, các văn bản hướng dẫn, hoàn thành trong tháng 9/2019; nghiên cứu, xây dựng bộ mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức thống nhất theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu của tất cả các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL), hoàn thành trong tháng 6/2019.
Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ TT&TT cũng có trách nhiệm chủ trì nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật CPĐT, các nghị định, văn bản hướng dẫn bảo đảm hành lang pháp lý phát triển CPĐT dựa trên dữ liệu mở, ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API).
Trình ban hành Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 2.0 trong tháng 5/2019
Với nhiệm vụ xây dựng nền tảng công nghệ phát triển CPĐT phù hợp với xu thế phát triển CPĐT trên thế giới, Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thành cập nhật Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam (phiên bản 2.0), trong đó bổ sung mô hình tham chiếu các hệ thống thông tin dùng chung và các CSDL quốc gia nêu trong Nghị quyết này, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 5/2019.
“Bộ TT&TT xây dựng Kiến trúc tổng thể CPĐT Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025, công bố và định kỳ cập nhật hàng năm trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ thông qua việc tích hợp Kiến trúc CPĐT cấp bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh, kiến trúc các hệ thống thông tin dùng chung và các CSDL quốc gia, bảo đảm phù hợp với bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng phát triển CPĐT trên thế giới”, Nghị quyết mới về Chính phủ điện tử nêu rõ.
Đồng thời, Bộ TT&TT còn được giao chủ trì thực hiện: nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ và mở rộng kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước đến các hệ thống mạng của các cơ quan: Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; rà soát và triển khai mở rộng, kết nối mạng đến cấp xã và các đối tượng theo yêu cầu, phù hợp với phạm vi và tính chất ứng dụng của các bài toán CPĐT, bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, kết nối, an toàn thông tin (ATTT), triển khai trong giai đoạn 2019-2020, tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ trong giai đoạn 2021-2025; triển khai các giải pháp cải thiện xếp hạng chỉ số thành phần về hạ tầng viễn thông theo phương pháp đánh giá về CPĐT của Liên hợp quốc;
Nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông xây dựng và nâng cao năng lực mạng lưới viễn thông của Việt Nam, làm nền tảng phát triển hệ sinh thái số và đáp ứng cho các dịch vụ mới; nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là tốc độ Internet, sử dụng hiệu quả băng tần mạng di động 4G, 5G, mở rộng vùng phủ sóng di động 4G, 5G; nâng cao tốc độ mạng cố định băng rộng; điều chỉnh chính sách khuyến khích nội địa hóa để hỗ trợ sản xuất các sản phẩm nội địa như thiết bị mạng, thiết bị đầu cuối thông minh có giá thành phù hợp với điều kiện Việt Nam để tăng tỷ lệ người sử dụng và khả năng truy cập các thiết bị thông minh, hoàn thành trong tháng 8/2019.
Liên thông 2 hệ thống chứng thực chữ ký số công cộng và chuyên dùng
Thời hạn Chính phủ yêu cầu phải hoàn thành việc triển khai giải pháp liên thông giữa Hệ thống chứng thực chữ ký số công cộng và Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ là tháng 5/2019 (Ảnh minh họa: Internet) |
Để xây dựng CPĐT bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm ATTT, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân, Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các điểm a, b, c (đối với giải pháp phục vụ người dân, doanh nghiệp) và đ Mục 4 Phần IV của Nghị quyết mới.
Cụ thể là: Xây dựng các hệ thống kỹ thuật bảo đảm ATTT phục vụ phát triển CPĐT, gồm hệ thống xử lý tấn công mạng Internet Việt Nam; hệ thống chia sẻ thông tin các cuộc tấn công mạng, mối đe dọa, nguy cơ về ATTT mạng; hệ thống kiểm định ATTT; hệ thống giám sát, cảnh báo sớm về nguy cơ an ninh mạng; hệ thống hỗ trợ điều phối, ứng cứu sự cố ATTT mạng, hoàn thành trong giai đoạn 2019-2020;
Triển khai giải pháp liên thông giữa Hệ thống chứng thực chữ ký số công cộng và Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, hoàn thành trong tháng 5/2019; Triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số cho các hệ thống thông tin và thiết bị di động để thuận tiện cho việc sử dụng của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan nhà nước trong giai đoạn 2019-2020, hoàn thiện trong giai đoạn 2021-2025; Hướng dẫn công tác bảo đảm ATTT cho các hệ thống nền tảng, hệ thống phục vụ phát triển CPĐT; đẩy mạnh triển khai các hoạt động bảo đảm ATTT theo quy định tại Nghị định 85/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ.
Dùng một phần kinh phí từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích cho phát triển CPĐT
Với nhiệm vụ bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng CPĐT, Bộ TT&TT được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiên cứu, trình Chính phủ về việc sử dụng một phần kinh phí từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam cho việc phát triển CPĐT, hoàn thành trong tháng 6/2019; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT phục vụ triển khai, phát triển CPĐT.
Cũng tại Nghị quyết mới, Chính phủ đã giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ và các cơ quan liên quan triển khai: nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án đẩy mạnh việc cấp chứng thư số cho người dân, doanh nghiệp theo hướng giảm chi phí cấp và duy trì hoạt động chứng thư số để khuyến khích sử dụng trong các giao dịch điện tử, hoàn thành trong tháng 6/2019; nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về việc sử dụng các thiết bị, máy móc đối với các hệ thống thông tin CPĐT để bảo đảm ATTT mạng, hoàn thành trong tháng 6/2019; nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về sử dụng phần mềm có bản quyền (hệ điều hành, các phần mềm soạn thảo văn bản...) khi mua sắm máy tính và tỷ lệ phần trăm kinh phí dành cho duy trì cập nhật phần mềm, bảo đảm ATTT cho các hệ thống thông tin được đầu tư, hoàn thành trong tháng 8/2019.
Bộ TT&TT còn được giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan liên quan triển khai công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng trong quá trình thực hiện các nội dung của Nghị quyết theo quy định của pháp luật; chủ trì tổ chức thuê dịch vụ, giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam thực hiện giám sát ATTT và kiểm tra, thử nghiệm xâm nhập đối với các hệ thống thông tin phục vụ CPĐT; định kỳ tổ chức tập huấn, diễn tập bảo đảm ATTT phục vụ CPĐT.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN, các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong xây dựng CPĐT theo quy định pháp luật; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai Kiến trúc CPĐT, Kiến trúc CQĐT; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành xây dựng các CSDL quốc gia ưu tiên bảo đảm tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin và các CSDL; đồng thời, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) tham gia xây dựng CPĐT theo chức năng, nhiệm vụ được giao.