Bộ trưởng Y tế nên “vi hành”
Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri quận 8 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM ngày 24/11 - Ảnh Duy Nguyên |
Người nhà Bộ trưởng cũng đưa phong bì “bồi dưỡng”
Chiều 24/11, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm 3 đại biểu: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đại biểu Lê Trọng Sang, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM và đại biểu Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 8, TP.HCM sau kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri tỏ ra không đồng tình với giải pháp chống nạn phong bì trong ngành y tế mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đưa ra tại kỳ họp thứ 4 vừa bế mạc hôm 23/11. Cử tri Nguyễn Thị Mộng Tuyết, phường 9 cho rằng, giải pháp kêu gọi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân không đưa phong bì cho nhân viên y tế, bác sĩ và chụp ảnh trường hợp sai phạm gửi về cho Bộ trưởng không thực sự khả thi. Bởi nếu người sai phạm là người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh, giám đốc bệnh viện thì làm sao mà chụp ảnh, lấy bằng chứng.
Cử tri Trương Hồng Sơn, ở phường 16, cũng hoài nghi cách chống tiêu cực của Bộ trưởng: “Giải pháp này hiệu quả không cao. Thay vào đó, Bộ trưởng cứ đóng vai thường dân đi khám bệnh sẽ nhìn thấy hết tiêu cực. Đừng đi xe con, đừng báo trước khi đến các cơ sở khám chữa bệnh và cứ đến hai nơi, một là bệnh viện công và hai là phòng khám tư, sẽ thấy hai cung cách phục vụ bệnh nhân khác nhau. Bác Hồ ngày xưa cũng thế, vào nhà bếp, nhà ăn, gặp cán bộ hỏi thăm chứ không đi bằng cửa chính. Chứ đòi dân đưa bằng chứng là rất khó”.
Trả lời ý kiến góp ý của người dân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Hồi còn là Thứ trưởng, tôi đã “vi hành” rồi. Tôi từng đến Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, một số bệnh viện phụ sản, chờ xếp hàng đến lượt khám bệnh để quan sát tiêu cực trong bệnh viện. Và cũng đã chụp hình lại tiêu cực, chấn chỉnh một số đồng chí cán bộ y tế cách đây 3 năm”.Bộ trưởng dẫn chứng về một số hình thức phong bì từng thấy, tại khoa khám bệnh nội trú của một bệnh viện ở Hà Nội, vừa chật chội lại vừa nóng nực, bệnh nhân phải xếp hàng dài chờ đến lượt, các bác hưu trí ngồi chật kín. Hỏi thăm, các cụ cho biết đến hồi 5h30 sáng, tập thể dục xong đi khám luôn. Mà lúc đó đã là 11h30 rồi vẫn chưa khám xong và chiều mới quay lại lấy thuốc. Sức trẻ còn thấy mệt và đói nói chi là các cụ. Đã vậy, các cụ còn phải chạy tới chạy lui lo giấy tờ này nọ để được thanh toán bảo hiểm.
Ngoài ra, tại khoa khám bệnh, ai có đưa 30.000 – 50.000 đồng thì được giới thiệu khám trước. Còn tại khoa điều trị nội trú, có tiền thì tiêm chít, thay băng nhẹ nhàng, vui vẻ hơn.
“Bản thân tôi có người nhà nằm viện, vào thăm vẫn thấy người nhà đưa phong bì cho nhân viên y tế và bảo tôi rằng: “Họ làm cực khổ lắm, bồi dưỡng cho họ chút ít”, mặc dù họ không yêu cầu”, Bộ trưởng nói thêm.
Ngành y tế còn nhiều việc phải làm
Cử tri Phùng Thị Á Châu, ở khu phố 3, phường 4 yêu cầu: “Mong Bộ trưởng quan tâm nhiều hơn đến các hộ nghèo tại quận 8. Người dân quận 8 còn nghèo lắm. Ngay cả những người nghèo được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) thì việc đi lại khám bệnh định kỳ nửa tháng một lần cũng hết sức tốn kém, khó khăn. Mặt khác, cơ sở vật chất khám chữa bệnh ở đây còn thiếu thốn nhiều lắm”.
Cử tri Đỗ Trọng Nhân, phường 15 cho hay, việc lập các cơ sở vệ tinh để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên tại TP.HCM là không làm được, ngược lại còn quá tải thêm. Chẳng hạn như Bệnh viện Nhi Đồng 1 có khoa vệ tinh ở quận Bình Tân, Bệnh viện Nhi Đồng 2 có khoa vệ tinh ở Bệnh viện quận 2. Nhưng thực tế, con em các gia đình ở miền Tây đã lên TP.HCM chữa bệnh thì họ đều vào thẳng Bệnh viện Nhi Đồng 1 chứ không vào khoa vệ tinh ở Bình Tân.
“Để giảm tải cho hai bệnh viện này, tôi nghĩ cần tăng thêm cơ sở vật chất, giường bệnh, bác sĩ giỏi cho cơ sở chính của bệnh viện, chứ xây khoa vệ tinh thì người dân không tin cậy”, cử tri hiến kế.
Theo cử tri Phùng Văn Hòa, một số cơ sở khám chữa bệnh thời gian qua đã lợi dụng người dân thiếu hiểu biết để thu thêm viện phí. “Tôi mua BHYT ở Bệnh viện quận 8 và thường khám chữa bệnh ở phòng khám đa khoa Xóm Củi, phòng khám vệ tinh của Bệnh viện quận 8, vì lý do gần nhà. Nhưng dạo gần đây, phòng khám này thu thêm 10% viện phí và giải thích rằng nếu tôi khám trực tiếp ở Bệnh viện quận 8 thì không bị phụ thu. Nhiều bệnh nhân khám chữa bệnh ở đây cũng đều bị phụ thu giống như tôi. Trường hợp này có phải là phòng khám sai phạm, tự ý thu thêm tiền của người bệnh?”.
Cử tri phản ánh tiền viện phí với Bộ trưởng sau cuộc họp - Ảnh Duy Nguyên |
Ngoài ra, giá thuốc lên xuống phức tạp, khó lường như giá cả thị trường cũng khiến nhiều cử tri lo lắng. Các cử tri cho rằng, chắc chắn có lợi ích nhóm thao túng giá thuốc. Bộ Y tế phải làm sao để không có lợi ích nhóm trong ngành y tế.
Cử tri Đỗ Ngọc Am, phường 1 nhận định: “Người dân quận 8 và cử tri cả nước rất kỳ vọng vào Bộ trưởng Bộ Y tế. Từ khi Bộ trưởng nhận nhiệm vụ thì có rất nhiều việc làm tích cực. Nhưng y tế vẫn còn nhiều yếu kém, thiếu sót và còn nhiều việc phải làm để chấn chỉnh lại hoạt động”.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, các thủ tục khám chữa bệnh bằng BHYT rườm rà là do bên BHYT thẩm định hồ sơ rất kỹ. Bộ Y tế đã cùng ngồi lại với BHYT để thỏa thuận rút ngắn quy trình khám chữa bệnh bằng BHYT. Sắp tới đây, sẽ chọn một số bệnh viện thực hiện thí điểm.
Ngoài ra, công khai giá khám chữa bệnh tại khoa khám bệnh để bệnh nhân giám sát. Theo quy định, nếu như 2 người nằm cùng 1 giường bệnh thì chỉ phải đóng mỗi người ½ giá tiền giường bệnh. Bộ Y tế cũng quy định, đối với bệnh nhân trên 80 tuổi thì các cơ sở y tế, bệnh viện phải có phòng khám riêng nhưng hiện nay đa số bệnh viện đều chưa thực hiện, chỉ bệnh viện dành cho người cao tuổi ở trung ương có.
Trong tháng này, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ Đề án lộ trình BHYT toàn dân. Và tháng 6 năm sau sẽ sửa đổi Luật BHYT vốn gây phiền hà cho người dân bấy lâu nay. Trong luật hiện hành, tiền viện phí chênh lệch giữa tuyến trên và tuyến dưới không cao nên người dân đa số chọn khám chữa bệnh ở tuyến trên.
Về lâu dài, giá thuốc cũng sẽ do một cơ quan ngoài ngành y tế quản lý. Còn hiện tại, Bộ trưởng khẳng định: “Giá thuốc trong nước còn rẻ hơn giá thuốc ở Thái Lan 3 lần và giá thuốc ở Trung Quốc 2,5 lần”.
Về nạn phong bì, Bộ trưởng hứa, Bộ Y tế trong thời gian tới sẽ dùng các giải pháp hành chính và cả giải pháp tài chính để xử lý. Giao nhiệm vụ cho giám đốc bệnh viện, cơ sở y tế. Đặc biệt, Bộ đã ra quy chế đạo đức nghề nghiệp để áp dụng cho toàn ngành, gồm nhiều quy định như: 5 điều cán bộ y tế không được làm, 5 điều bệnh nhân không được làm, cán bộ y tế không được nhận quà biếu khi bệnh nhân đang khám chữa bệnh tại cơ sở…