Bộ trưởng Tư pháp: Luật Hộ tịch là cuộc "cách mạng” về quản lý dân cư
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường:Luật Hộ tịch có thể coi là cuộc "cách mạng” trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường có cuộc trao đổi tại chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời trên VTV tối 21/12:
Bên cạnh việc chuyển biến tích cực về quản lý hộ tịch, trong những năm gần vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó có việc thông tin hộ tịch cá nhân chưa chính xác, thống nhất, thậm chí có trường hợp lợi dụng để trục lợi, hoặc trốn tránh pháp luật. Vậy, Luật hộ tịch mới ra đời có những quy định gì khắc phục được tình trạng này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Việc Quốc hội vừa thông qua Luật Hộ tịch có thể coi là cuộc "cách mạng” trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung. Luật quy định rõ việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào việc đăng ký và quản lý hộ tịch, bảo đảm độ chính xác trong tất cả giấy tờ thống kê đến con người, giảm thiểu nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính trong những thủ tục cần thiết liên quan đến con người.
Luật cũng cho phép xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử bên cạnh sổ hộ tịch bằng giấy như từ trước đến nay và quy định việc kết nối cơ sở dữ liệu lần này với dữ liệu quốc gia về dân cư trong Đề án 896 Chính phủ đã thông qua. Từ đó kết nối với tất cả các dữ liệu khác liên quan đến dân cư ở nước ta.
Luật còn bổ sung, ghi nhận những quy định của Chính phủ từ trước đến nay, đảm bảo việc đăng ký và quản lý hộ tịch rất chặt chẽ. Với những quy định cải cách như vậy, tôi tin công tác đăng ký, quản lý hộ tịch sẽ đi thẳng vào công nghệ thông tin, mở ra trang mới đáp ứng được yêu cầu.
Vậy theo Bộ trưởng khi nào cuộc “cách mạng” này diễn ra và được thực hiện?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Luật quy định cho Chính phủ hơn 1 năm chuẩn bị và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Khi đó trẻ em đăng ký khai sinh sẽ được cấp ngay số định danh cá nhân. Luật cũng cho phép đến hết năm 2019, phải xây dựng xong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì hai cơ sở này đồng thời xây dựng và hoàn thành, năm 2020 tất cả quy định mang tính cải cách của luật sẽ được thực thi. Khi đó chúng ta sẽ nhận biết được công cuộc cải cách thủ tục hành chính trong giấy tờ công dân.
Những giấy tờ hộ tịch của người dân đã được cấp trước ngày Luật có hiệu lực thì có còn giá trị sử dụng nữa không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Chính phủ đã trình với Quốc hội và thông qua việc bảo toàn nguyên giá trị những giấy tờ đã cấp trước ngày 1/1/2016. Sổ sách hộ tịch được lưu trữ vẫn có giá trị để người dân có thể tra cứu, cấp bản sao và giấy tờ không phải làm lại vẫn có giá trị suốt cuộc đời. Chỉ từ 1/1/2016 cấp mới cho người sinh ra vào thời điểm này trở đi và không làm xáo trộn gì các vấn đề xã hội mà người dân thực hiện trong thời gian vừa qua.
Bộ trưởng có thể cho biết, đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch hiện nay liệu có khả năng bảo đảm được yêu cầu công việc khi Luật có hiệu lực hay không, nhất là các cán bộ xã, phường?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tầm quan trọng của công tác đăng ký và quản lý hộ tịch là trung thực, khách quan, chính xác và đòi hỏi cán bộ hộ tịch phải có năng lực, nghiệp vụ, trình độ vi tính phù hợp và bản lĩnh nghề nghiệp để không bị can thiệp, đảm bảo việc sinh, tử, kết hôn, cải chính hộ tịch, nhận con nuôi phải khách quan.
Những quy định này không mới nhưng lần này Luật quy định lại bắt buộc người thực hiện phải có chứng chỉ, được bồi dưỡng về nghiệp vụ hộ tịch, và thường xuyên cập nhật kiến thức nghiệp vụ và phải có trình độ tin học phù hợp để kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của cán bộ tư pháp hộ tịch, điều cấm và chế tài xử lý và quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, huyện, xã nếu sắp xếp cán bộ tư pháp hộ tịch không đúng, buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm trong công tác đăng ký hộ tịch…
Xin cảm ơn Bộ trưởng!