Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Formosa có 53 vi phạm
Theo đó, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện Formosa đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, khi cơ quan quản lý nhà nước vào kiểm tra Formosa, có 6 nhà thầu nước ngoài liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, lắp ghép thiết bị, chuyển giao quản lý, hầu hết nhà thầu là Trung Quốc. Qua kiểm tra đã phát hiện ra 53 hành vi vi phạm về thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công.
“Qua giai đoạn chạy thử nghiệm đã xảy ra sự cố liên quan đến điện, liên quan đến việc triển khai hệ thống xử lý chưa đáp ứng quy định của pháp luật cũng như của cơ quan quản lý”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Xuân Tùng) |
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong 53 hành vi vi phạm có hành vi đặc biệt quan trọng, đó là hành vi tự ý thay đổi công nghệ xử lý cốc từ cốc khô- công nghệ thân thiện sang công nghệ xử lý cốc ướt, là công nghệ phát tán rất nhiều chất thải.
“Họ tự ý điều chỉnh. Đây là bằng chứng pháp lý quan trọng. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ này không liên quan đến sự cố môi trường mà chỉ liên quan đến vi phạm pháp lý của ta”, ông Trần Hồng Hà nói.
Cũng theo ông Trần Hồng Hà, hiện nay các vấn đề về xử lý đang trong giai đoạn chạy thử, trên thực tế công suất và nơi có nguồn thải nguy hiểm nhất là lò luyện cốc, tại đó nguồn nước thải ra được xử lý ở trạm sinh hoá mà đến nay mới chạy được ¼ công suất nên việc nó diễn ra ô nhiễm như vậy có thể khẳng định là do sự cố, còn trên thực tế nếu vận hành đầy đủ, đúng quy định và được kiểm tra chặt chẽ thì nó hoàn toàn có thể đáp ứng được việc kiểm soát và xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường.
Hiện nay, sau khi Formosa đã thừa nhuận trách nhiệm và khắc phục hậu quả, Chính phủ đã triển khai đồng bộ các công việc liên quan đến kiểm soát, giám sát và yêu cầu họ khắc phục các tồn tại.
Tham dự phiên họp, trao đổi thêm về việc sử dụng lao động Trung Quốc tại Formosa, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, về việc quản lý lao động nước ngoài ở Formosa, Bộ đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra để kiểm tra việc cấp giấy phép. Hiện 70% lao động làm việc tại đây được cấp giấy phép. Tuy nhiên, con số biến động theo từng giai đoạn.
“Hiện việc cấp phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Formosa đã giao cho Hà Tĩnh cấp giấy phép. Việc cấp phép này theo đúng quy định”, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói.
Theo báo cáo của Chính phủ, ngay sau khi có thông tin về sự cố, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị thiệt hại; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bước đầu đánh giá thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường. Đồng thời, đã chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan khoa học, trên tinh thần thận trọng, khoa học, chính xác, khách quan và đúng pháp luật, xác định, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố để có giải pháp xử lý.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các bộ ngành liên quan, huy động trên 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ 30 cơ quan trong và ngoài nước đã tổ chức thu thập, phân tích dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế, đã xác định có nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, chứa độc tố như Phenol, Xyanua,… kết hợp với Hydroxit Sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (Mixel), có tỷ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc - Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan tổ chức rà soát các nguồn thải; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước với sự tham gia của các cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành và đã phát hiện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà tĩnh (FHS) có một số hành vi vi phạm; xác định những sự cố xảy ra trong quá trình vận hành thử nghiệm của FHS đã dẫn đến nước thải từ công ty xả ra biển có chứa các độc tố Phenol, Xyanua, Hydroxit Sắt vượt quá mức cho phép.
“Từ các căn cứ nêu trên, các bộ ngành, cơ quan chức năng có liên quan đã thẩm định kỹ lưỡng, tham vấn các nhà khoa học trong, ngoài nước và kết luận: những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trong tháng 4 vừa qua”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông báo.
Trước đó, hiện tượng cá chết xuất hiện vào ngày 6/4 gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Khoảng 70 tấn cá tự nhiên của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế chết dạt bờ, chủ yếu là loài sống ở tầng đáy. Riêng Thừa Thiên - Huế có 35 tấn cá nuôi bị chết. Ngư dân 4 tỉnh lao đao vì cá biển không tiêu thụ được, hoặc bán với giá rẻ, không đủ bù chi phí đánh bắt.
Sau sự việc trên, nhiều giả thiết về nguyên nhân cá chết được đưa ra, tập trung vào hai nhóm là tảo đỏ và độc tố hoá học thải ra từ hoạt động của con người.
Trong số các nguồn xả thải gần khu vực Vũng Áng, cái tên được nhắc đến nhiều lần là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa). Cuối cùng sau gần 3 tháng tìm hiểu nguyên nhân, lãnh đạo Formosa cũng cúi đầu nhận lỗi.