Bộ trưởng Tiến nói về những "tiêu cực cá biệt"
Chiều 31/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc giao lưu với độc giả qua chuyên mục “Gặp nhau cuối năm” do báo Tuổi trẻ tổ chức.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (Ảnh: Tuổi Trẻ)
“Chỉ là những trường hợp cá biệt”
Trước đề cập của độc giả về những vụ việc đau lòng xảy ra trong năm qua đối với ngành Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận trong thời gian qua có một số chuyện buồn, làm ảnh hướng đến hình ảnh người thầy thuốc. Nhưng Bộ trưởng Tiến cũng nhấn mạnh “đó chỉ là những trường hợp cá biệt”. Toàn ngành y tế hiện nay có khoảng 400 ngàn cán bộ y tế, đa số đều hết lòng và tận tâm chăm sóc người bệnh, nhưng cũng có một bộ phận nhỏ không thực hiện đúng 12 điều y đức trong quá trình hành nghề.
Khắc phục tình trạng này, theo bà Tiến, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về thực hiện vấn đề y đức của người hành nghề, đồng thời cũng đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo để thảo luận và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao vấn đề y đức của người hành nghề; tăng cường công tác thanh kiểm tra hành nghề y tư nhân trên toàn quốc…
Ngoài ra các số điện thoại đường dây nóng cũng được công khai tại các cơ sở khám, chữa bệnh để tiếp nhận những bức xúc liên quan tới y đức, thái độ ứng xử, thăm, khám chữa bệnh của đội ngũ y, bác sỹ.
“Đối với ngành y tế, việc giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ thầy thuốc là việc làm thường xuyên của ngành. Bộ Y tế mong nhận được sự chia sẻ của cộng đồng và xã hội cùng chung tay với ngành y tế nâng cao đạo đức nghề nghiệp” – Bộ trưởng Tiến chia sẻ.
Liên quan đến trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra những vụ việc đau lòng thời gian qua, như vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường, trẻ em tử vong sau khi tiêm, Bộ trưởng Tiến cho biết bà và các đồng nghiệp trong ngành y đều hết sức đau lòng trước những sự cố gây tử vong, bất luận vì nguyên nhân gì.
“Trước tiên phải khẳng định đây là những sự cố ý khoa ngoài mong muốn của ngành y. Không một bác sĩ nào khi khám chữa bệnh lại mong muốn người bệnh của mình tử vong” - bà Tiến khẳng định.
Theo bà Tiến, các trường hợp vi phạm chuyên môn, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quan điểm của Bộ Y tế là xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không dung túng, bao che…
“Các vụ việc y tế xảy ra ở cơ sở nào, trách nhiệm trước hết thuộc về bản thân cán bộ y tế gây ra sự cố. Tiếp đến người đứng đầu cơ sở y tế đó, cơ quan quản lý y tế ở địa phương (Sở Y tế), chính quyền địa phương. Bộ Y tế chịu trách nhiệm nếu như thiếu các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động y tế, nếu thiếu các văn bản hướng dẫn kiểm tra, giám sát” – bà Tiến quy trách nhiệm.
Đối với vụ việc tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, ngay khi biết thông tin, Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Thanh tra Bộ và Bệnh viện Bạch Mai phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Công an Hà Nội và chính quyền địa phương điều tra, xác minh giải quyết, xử lý cụ thể.
Đối với trường hợp sản phụ tử vong, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế rà soát lại quy trình chuyên môn nghiệp vụ sản khoa, đồng thời nghiêm túc xem xét từng trường hợp tử vong để xác định rõ nguyên nhân và xử lý…
Vụ bác sĩ Thẩm mỹ viện Cát Tường gây chết người phi tang xác gây chấn động trong dư luận năm 2013.
Người đưa phong bì cũng bị xử phạt
Liên quan đến tiêu cực bác sĩ nhận phong bì và giải pháp ngăn ngừa thực trạng trên, Bộ trưởng Kim Tiến cho rằng, chuyện cán bộ y tế nhận phong bì từ tay bệnh nhân là “không được phép”, là quy định cấm trong các nghị định, thông tư, quy trình khám chữa bệnh, nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của ngành y tế.
Nhưng theo Bộ trưởng, ở đâu đó, do quá tải, do chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng, nên người nhà bệnh nhân mong muốn được khám trước, được khám kỹ hơn thì “bệnh nhân có đưa tiền”.
“Theo chúng tôi quan sát thì không phải là đưa phong bì mà là đưa tiền nhét vào túi, nhưng là ở điều dưỡng, người thay băng. Đối với bác sỹ thì không phải dễ tiếp cận. Con số 90/100 bác sỹ nhận phong bì chưa có căn cứ, cần phải phải có thống kê, đánh giá”.
Bên cạnh những tiêu cực, Bộ trưởng Y tế cũng cho rằng, còn có những bệnh viện mà người bệnh đến không thể đưa phong bì, như BV Việt Đức Hà Nội, BV Đại Học y dược TP.HCM, BV huyện miền núi, BV khu vục đồng bằng sông Cửu Long...
“Đâu đó cũng có cán bộ y tế không giữ được nhân cách đạo đức của mình. Cũng cần phải nói là chế tài việc nhận phong bì chưa nghiêm. Bên cạnh đó cũng còn tâm lý của người bệnh cám ơn bác sĩ” - bà Tiến nhận định.
Về giải pháp, Bộ trưởng Tiến cho hay, bệnh nhân có thể phản ánh qua đường dây nóng. Ngoài ra nhiều bệnh viện lớn hiện nay đã được gắn camera. Bên cạnh đó, Chính phủ đã có nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, nếu phát hiện sai phạm, nhận phong bì sẽ xử phạt 30 triệu đồng. Bên cạnh đó ngay cả người đưa phong bì cũng có thể bị xử phạt, vì nếu không có người đưa thì cũng không có người nhận, nên các bệnh nhân cũng cần thực hiện tốt nguyên tắc này.
“Ở nước ngoài, dù lương y bác sĩ cao hơn, thu nhập tốt hơn nhưng thực tế cũng vẫn chưa hết nạn phong bì” – Bộ trưởng Tiến nói thêm.