Bộ trưởng Tài chính: "Ấn tượng với nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho SX-KD"
Năm 2015 và những năm tiếp theo, ngành Tài chính khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân và thực hiện mạnh mẽ các giải pháp hoàn thiện thể chế, tiên phong trong việc cải cách đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan, nhằm tạo môi trường công bằng, thuận lợi.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng - Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khi chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.
Nhìn lại năm 2014, Bộ trưởng ấn tượng nhất với những kết quả nào về đóng góp của ngành Tài chính, những trăn trở về những việc chưa thực hiện được?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Nhìn lại quá trình điều hành tài chính-NSNN năm 2014, tôi ấn tượng với nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho SX-KD, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là việc quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, gắn với đẩy mạnh hiện đại hoá trong lĩnh vực thuế, hải quan, như rà soát, hệ thống hoá 645 thủ tục hành chính; rút ngắn được 290 giờ nộp thuế, cắt giảm khoảng 10-20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng XNK; đã có khoảng 95% số doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử; đã thí điểm thực hiện nộp thuế điện tử ở 18 địa phương, giảm thiểu thời gian, chi phí, tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp, người nộp thuế và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Bên cạnh đó là những yếu tố tích cực trong quản lý nợ công, Bộ Tài chính đã chủ động phát hành TPCP kỳ hạn dài hơn, với lãi suất thấp hơn; đã thực hiện phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm, lãi suất 4,8%/năm để cơ cấu lại các trái phiếu quốc tế cũ lãi suất cao hơn khoảng 2%/năm, qua đó góp phần cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững, giảm chi phí vay nợ, đảm bảo khả năng trả nợ. Công tác quản lý giá, đặc biệt là giá cả các mặt hàng thiết yếu đã bám sát tín hiệu thị trường, góp phần to lớn vào ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Có thể khẳng định năm 2014, có không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự việc Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan thăm dò dầu khí vào vùng đặc quyền kinh tế nước ta, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và ảnh hưởng không tốt đến các hoạt động kinh tế-xã hội và môi trường đầu tư trong nước... Dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo và nhờ sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước, nhiệm vụ thu-chi NSNN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện: Thu NSNN vượt 9,6% so với dự toán Quốc hội quyết định, trong đó hầu hết các địa phương đều đạt và vượt dự toán được giao.
Mặc dù vậy, là người đứng đầu ngành Tài chính, tôi vẫn cảm thấy trăn trở về những hạn chế chưa được khắc phục như mong muốn: Công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa theo sát thực tiễn, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, nợ đọng thuế vẫn còn diễn biến phức tạp; những hạn chế chưa được giải quyết trong cơ cấu chi NSNN, tính bền vững của nợ công đã và đang có ảnh hưởng đến tính ổn định, bền vững của NSNN trong trung và dài hạn; tiến trình cổ phần hoá còn chậm. Đây là những vấn đề cần phải tập trung tiếp tục khắc phục để làm tốt hơn trong thời gian tới.
Năm 2015 là năm bản lề kế hoạch 5 năm, trong khi tình hình kinh tế thế giới biến động với việc giá dầu giảm. Chính sách tài khoá sẽ phối hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách khác thế nào để đạt được đóng góp tích cực vào các mục tiêu kinh tế vĩ mô, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Bộ Tài chính đã xác định năm 2015 là năm bản lề quan trọng. Nhưng đây là năm mà những khó khăn và thách thức vẫn còn nhiều, trong đó đáng chú ý là hoạt động của một bộ phận doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn; việc tham gia các hiệp định thương mại tự do ảnh hưởng đến các ngành sản xuất trong nước; giá dầu thô thế giới giảm mạnh và có xu hướng diễn biến phức tạp... Tuy nhiên, cùng với các chính sách tiền tệ, đầu tư, thương mại... chúng tôi xác định rằng chính sách tài khóa sẽ là đòn bẩy, công cụ quan trọng để thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã đề ra nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất-kinh doanh, kiểm soát lạm phát, qua đó phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2% đã đề ra. Trên tinh thần đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo tập trung thực hiện các công việc trọng tâm. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện thể chế kinh tế, tài chính góp phần cải thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện đất nước ta hội nhập sâu rộng hơn; gắn với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước theo hướng tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp và người nộp thuế, phấn đấu trong năm 2015 rút ngắn số giờ nộp thuế, làm thủ tục hải quan đạt và vượt mức trung bình các nước ASEAN-6 (là 171 giờ/năm, trong đó rút ngắn thời gian nộp thuế xuống còn 121,5 giờ; thời gian làm thủ tục bảo hiểm xã hội còn 49,5 giờ).
Bộ Tài chính sẽ triển khai quyết liệt công tác quản lý thu NSNN năm 2015 ngay từ đầu năm, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp chống thất thu ngân sách, chuyển giá, trốn thuế, buôn lậu, gian lận thương mại; kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế, đảm bảo hoàn thuế đúng đối tượng và chính sách pháp luật thuế của Nhà nước. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế.
Để hạn chế ảnh hưởng của giá dầu thô giảm đến cân đối NSNN, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã xây dựng phương án điều hành NSNN trong điều kiện giá dầu xuống thấp, nhằm chủ động ứng phó với các tình huống phát sinh; đồng thời, quyết tâm phấn đấu vượt thu từ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất nhập khẩu đến mức cao nhất để bù đắp cho số giảm thu từ dầu thô.
Về phía chi, Bộ Tài chính cũng sẽ tổ chức điều hành chi NSNN năm 2015 theo dự toán Quốc hội quyết định, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính. Thực hiện triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên cho bộ máy quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; cắt giảm tối đa và công khai kinh phí tổ chức hội nghị hội thảo, chi lễ hội, lễ kỷ niệm, lễ khởi công, khánh thành, đi công tác nước ngoài; định kỳ công khai tình hình thực hiện; không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật)...
Về quản lý nợ công, Bộ Tài chính sẽ kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn cho phép 65% GDP. Đẩy mạnh cơ cấu lại nợ công, chủ động tăng phát hành TPCP dài hạn (kỳ hạn từ 5 năm trở lên). Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; rà soát, loại bỏ các dự án không hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ nợ chính quyền địa phương, cấp bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại; hạn chế phát sinh nợ dự phòng của Chính phủ.
Trong quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định tiếp tục nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiếu yếu theo lộ trình. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, minh bạch hóa thông tin, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá; đẩy mạnh triển khai cơ chế hoạt động tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập gắn với lộ trình thực hiện tính giá dịch vụ công. Khi điều chỉnh giá dịch vụ công tăng, Nhà nước có hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng chính sách. Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện cơ chế quản lý thị trường tài chính; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu; triển khai đồng bộ các đề án tái cấu trúc và phát triển thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm; nâng cao khả năng huy động vốn qua thị trường, hỗ trợ tích cực đẩy mạnh tái cấu trúc và cổ phần DNNN. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tham mưu trình Chính phủ đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực: Đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống tài chính ngân hàng.
Với tư cách là người đứng đầu ngành Tài chính, Bộ trưởng có thông điệp (hay lời khuyên gì) với người dân và cộng đồng doanh nghiệp nhân dịp đầu năm mới Ất Mùi?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Có thể nói, sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước có một phần đóng góp không nhỏ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong cả nước. Trên cơ sở đó, năm 2015 và những năm tiếp theo, ngành Tài chính khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân và thực hiện mạnh mẽ các giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính, tiếp tục cải cách chính sách thuế, hải quan. Cụ thể, ngành Tài chính cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực tối đa triển khai các giải pháp cải cách hệ thống chính sách tài chính doanh nghiệp, chính sách thuế, hải quan nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người nộp thuế giảm bớt các thủ tục hành chính, đồng thời đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước được minh bạch, nhất quán, phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các chính sách khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp cũng được ngành Tài chính chú trọng triển khai thông qua hoàn thiện thể chế cho hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường tài chính.
Đặc biệt, các chính sách về cổ phần hóa DNNN được hoàn thiện theo hướng nâng cao tính công khai minh bạch, ngăn ngừa thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mua cổ phần và tham gia đổi mới quản trị doanh nghiệp. Các cơ chế thoái vốn, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp... được ban hành sẽ nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát tài chính của Nhà nước đối với doanh nghiệp.
Với cộng đồng doanh nghiệp, tôi xin lưu ý là bản thân các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh để nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời tận dụng tốt các cơ hội kinh doanh khi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Nhân dịp năm mới Ất Mùi, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước, chúc các doanh nghiệp trong năm 2015 tiếp tục gặt hái nhiều thành công, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước./.
Theo Huy Thắng/chinhphu.vn