Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời về lĩnh vực giáo dục cho đồng bào DTTS
Sáng nay (13/8), tại phiên chất vấn của UB TVQH, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn Quảng Ngãi) đã đặt câu hỏi đối với lĩnh vực giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời trước UB TVQH |
Theo đó, đại biểu Lan nêu thực tế qua đi giám sát thì nhận thấy điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên chưa đạt yêu cầu. Tình trạng dồn ghép các điểm trường một cách cơ học ở một số nơi dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu chất lượng, tỷ lệ người dân tộc thiểu số vẫn đáng lo ngại, đặc biệt là chương trình giáo dục còn một số chưa phù hợp.
“Chúng tôi lo chương trình mới sắp tới, với điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ như thế thì sẽ rất khó khăn. Tôi đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và giải pháp”, bà Lan đặt vấn đề.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính sách giáo dục miền núi đã được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Thứ nhất là ưu tiên để xây dựng cơ sở vật chất trường lớp; thứ hai, ưu tiên đối với giáo viên và thứ 3 là các chính sách liên quan đến vấn đề chế độ đối với giáo viên, học sinh, người tham gia.
“Thực tế đại biểu nêu có thể nói là diễn ra ở rất nhiều địa phương. Thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm, Bộ đã tham mưu với Chính phủ và có Nghị định 06 về chính sách cấp tiền ăn trưa cho trẻ em mầm non" - Bộ trưởng Nhạ cho biết.
Về tình trạng dồn các điểm trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay đây là việc làm nhằm thực hiện NQ 18, 19 của Ban chấp hành trung ương. Theo đó, một số địa phương có tình trạng dồn dịch các điểm trường một cách cơ học, dẫn đến tình trạng là một số cháu xa trường lớp có hiện tượng bỏ học. "Đây là vấn đề chúng tôi đã có ý kiến" - Bộ trưởng Nhạ nói.
"Các giải pháp tới đây là: trước hết là về mạng lưới cơ sở trường lớp, chúng tôi đã có hướng dẫn các địa phương dù có tinh giản các đầu mối nhưng vẫn phải đảm bảo điều kiện học – dạy cho thầy, trò. Chính phủ đã có quyết định vẫn đảm bảo giáo viên theo cơ số”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu.
Ngoài ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng giải trình thêm, hiện nay do đặc điểm của vùng dân tộc ít người, các điểm lẻ phân bổ rải rách, định biên giáo viên/lớp và số lớp/trường rất ít.
“Chúng tôi cũng đã có hướng dẫn các tỉnh dồn các điểm lẻ thành điểm chính và đảm bảo cho các cháu, đặc biệt là tiểu học gần nhà tránh trường hợp dồn xa. Đặc biệt chúng tôi khuyến khích các trường phổ thông dân tộc nội trú có hiệu quả và theo hướng không chỉ học sinh nội trú dân tộc mà cả học sinh không phải dân tộc có thể sống chung trong ký túc xá để có thể chia sẻ lẫn nhau. Như vậy sự hội nhập giữa học sinh dân tộc thiểu số với các học sinh khác sẽ tốt hơn. Rồi vấn đề liên quan đến việc sắp xếp những trường bán trú, các điểm trường chúng tôi cũng đang hướng dẫn các địa phương”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Về chính sách cử tuyển Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, những năm 2006, 2007 đến 2014 chính sách này phát huy rất cao. Các địa phương “3 Tây”: Tây bắc, Tây nam Bộ, Tây nguyên đã cử được những người rất tốt, nhưng gần đây chính sách cử tuyển không phát huy hiệu quả.
“Học sinh học xong không bố trí được việc làm, có nhiều nguyên nhân mà chúng tôi đã khảo sát: Thứ nhất, cử đi chưa trúng; Thứ hai chất lượng học cử tuyển của học sinh chưa cao, đặc biệt việc cử đi với việc sử dụng không khớp với nhau dẫn đến khi về không có việc theo như kế hoạch. Đồng thời trong điều kiện hiện nay, rất nhiều học sinh dân tộc học rất giỏi, họ không nằm trong diện cử tuyển, học tốt nghiệp đại học và khi họ trở về không được bình đẳng trong bố trí việc làm.
Do vậy, chúng tôi phối hợp với Bộ trưởng Chiến (Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Dân tộc Đỗ Văn Chiến - PV) rà soát lại để tư vấn, tham mưu với chính phủ, các địa phương là phải cử những người thực sự gắn với nhu cầu đầu ra. Chúng tôi cũng nghiên cứu mô hình như trường phổ thông dân tộc nội trú Tây Bắc, có thể liên tỉnh, 3-4 tỉnh mới có trường thật tốt để những người ấy ra trường sẽ là những hạt giống cho các địa phương”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.