Bộ trưởng Nông nghiệp thừa nhận "2 khâu" còn rất yếu kém của ngành
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. |
Tranh luận với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại phiên chất vấn trước Quốc hội, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng phần trả lời chất vấn của người đứng đầu ngành nông nghiệp là chưa thuyết phục, các câu trả lời của Bộ trưởng vắng bóng vai trò của quản lý nhà nước. ĐB Hồng đặt câu hỏi nếu quy hoạch nông nghiệp được lập có căn cứ, tiêu chí, phù hợp với giai đoạn đó, vai trò cảnh báo, định hướng của nhà nước như thế nào.
“Bộ trưởng nói nhà sản xuất phải thông minh, nhưng cử tri nói rằng nhà quản lý phải thông minh. Bộ trưởng nói thế cử tri sẽ không hài lòng. Sắp tới sẽ còn phải giải cứu cam, quýt, bưởi, chứ không chỉ giải cứu lợn, hành tím như vừa qua”, ĐB Nguyễn Thanh Hồng nói.
ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi về trách nhiệm của ngành Nông nghiệp và Công Thương về tình trạng thịt lợn hơi bán với giá chỉ 20.000 đồng/kg, trong khi người tiêu dùng mua thịt ở chợ vẫn phải mua với giá 80.000 đồng/kg.
Cũng liên quan đến tình trạng nông sản dư thừa, ĐB Trần Dương Tuấn (Bến Tre) chất vấn Bộ trưởng Cường: “Sắp tới liệu có xảy ra trường hợp nào phải giải cứu như đã từng làm hay không, nếu có tên gọi của mặt hàng nông sản đó là gì để người dân còn chuẩn bị?”
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thừa nhận Bộ mới làm được về khâu sản xuất, hai khâu còn lại là chế biến và thị trường vẫn còn rất kém.
“Đây không phải tại dân,” Bộ trưởng đính chính. “Dân sinh ra làm nông nghiệp thì phải làm chứ, ngành mình làm chưa tốt, tổng đàn lợn 4,2 triệu con lợn nái là quá thừa, cần phải giảm. Giảm đầu vào nhưng tăng chất lượng. 22 triệu tấn cám là quá dư thừa, sắp tới Bộ sẽ thông báo các tỉnh chuyển sang cám truyền thống để chăn nuôi truyền thống. Đã sản xuất là phải chế biến. Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN sẽ tập trung làm đề tài phục hồi giống bản địa, lúc đó không phải ăn cám công nghiệp mà ăn cám truyền thống”.
Bổ sung cho phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cường, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng khâu quan trọng nhất của sản xuất nông nghiệp cũng như sản xuất hàng hóa khác là nắm bắt nhu cầu và tín hiệu thị trường. Cùng với đó, nông nghiệp ứng dụng CN cao là cần thiết, nhưng nông nghiệp hữu cơ mới là câu trả lời cho thị trường, đồng thời quy hoạch phải gắn với thị trường.
“Tốc độ đàn lợn tăng trưởng rất nhanh, công tác thị trường chưa giải quyết được yêu cầu của sản xuất. Chúng ta phải mở cửa về thị trường và có dư địa để phát triển thị trường với 12 FTA đã ký kết. Nhưng hàng rào kỹ thuật thì chúng ta chưa vượt qua”, Bộ trưởng Công Thương nói.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận quy hoạch phải tính toán lại, sự phối hợp của hai Bộ trong xây dựng nghiên cứu thị trường cần cải tiến hơn. Câu chuyện sản xuất phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh.
“Thịt lợn của VN có thể cạnh tranh với thị trường lân cận, nhưng giá thành của chúng ta còn cao hơn một số quốc gia nhập khẩu vào VN. Vai trò của cơ quan nhà nước là phải định hướng được, thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp tốt hơn”.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, vì chúng ta chưa hoàn tất thủ tục xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên hơn 300 nghìn tấn lợn hơi xuất khẩu năm 2016 là qua đường tiểu ngạch, độ rủi ro cao.