“Bộ trưởng nói nước đôi như thế, tôi rất là lo”
Sáng 01/06, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thay mặt cơ quan soạn thảo giải trình trước Quốc hội về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết khi ban hành Luật Quy hoạch cũng đã xác định đây là luật rất khó, nên khi sửa đổi đã liên quan 25 luật phải sửa đổi khi ban hành. Tại lần sửa đổi này có 13 luật phải sửa đổi, trong đó có 2 luật phát sinh là Luật An toàn thực phẩm và Luật Phòng chống thiên tai.
Tại Kỳ họp QH thứ 6 vào cuối năm nay, Quốc hội sẽ ban hành luật sửa đổi 14 luật cho phù hợp với Luật Quy hoạch (sửa đổi) .
Ngoài ra, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch, tại khoản 5 Điều 59 cũng quy định giao Chính phủ tiếp tục rà soát có những điều khoản nào liên quan cần sửa đổi cho nhất quán.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. |
Tại phiên thảo luận trước Quốc hội sáng nay, các ĐBQH tranh luận về quy hoạch các văn phòng công chứng. Các đại biểu cho rằng công chứng là một hoạt động tư pháp, là chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước khi thực hiện xã hội hóa, nhưng cũng cần phải bảo đảm chất lượng, điều kiện, tiêu chuẩn đối với các công chứng viên cũng như việc thành lập văn phòng công chứng.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng không nên quy hoạch tổng thể trên quy mô quốc gia đối với quy hoạch công chứng, nhưng vẫn cần thiết phải quy hoạch cấp tỉnh.
Đại biểu Nghĩa cho rằng hoạt động của văn phòng công chứng không giống như quán mát xa hay karaoke, có những giấy tờ công chứng hôm nay lập nhưng đến 20-30 năm sau mới có sự tác động.
“Vậy nếu một phòng công chứng hoạt động sau 5-7 năm rồi đóng cửa thì sẽ như thế nào?”, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi.
Ông Nghĩa nói thêm: “Tôi có hỏi Sở Tư pháp thì được biết nếu một văn phòng công chứng đóng cửa thì toàn bộ hồ sơ sẽ bàn giao lại cho Sở Tư pháp quản lý. Vậy nhưng người công chứng viên làm bậy thì họ có còn ngồi đó hay là đã đi định cư nước ngoài rồi?”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, với phạm vi điều chỉnh như vậy, trong luật này chỉ điều chỉnh những gì liên quan đến nội dung, còn những gì liên quan đến cơ chế, chính sách, điều kiện, tiêu chuẩn, ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến và báo cáo Quốc hội sửa đổi sau.
Trước đó, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng trong Báo cáo năm 2014 về tổng kết 8 năm thực hiện cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, xác định hoạt động công chứng được coi là một trong những điểm sáng nhất của cải cách tư pháp.
Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai được việc thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng, nâng cao chất lượng của các hoạt động công chứng.
Đại biểu Nhưỡng và nhiều đại biểu khác thống nhất quan điểm không đưa vào quy hoạch đối với quy hoạch các văn phòng công chứng. Tuy nhiên các đại biểu còn băn khoăn, nếu dự thảo Luật giao Chính phủ quy định các chính sách, điều kiện đối với hoạt động công chứng sẽ dẫn đến sự chồng chéo về mặt chính sách.
Về việc quy hoạch các văn phòng công chứng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Về vấn đề này tồn tại hai luồng ý kiến, một là thống nhất bỏ quy hoạch về tổ chức hành nghề công chứng. Một luồng ý kiến còn lại đặt câu hỏi Chính phủ có quy định tiếp về điều kiện thành lập văn phòng công chứng hay không, hay từ các quy định của Luật Công chứng nên không cần phải quy định trong Luật Quy hoạch (sửa đổi) nữa.”
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tranh luận: “Theo quy định của Luật Công chứng đã giao cho Chính phủ quy định vấn đề này rồi thì Chính phủ cứ thế thực hiện trách nhiệm của mình theo Luật Công chứng do Quốc hội ban hành. Nếu đưa vấn đề đó vào trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch là trái với phương châm được chính Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trình bày trước Quốc hội, đó là chỉ xem xét những vấn đề liên quan đến quy hoạch, còn những vấn đề về chính sách sẽ không được xem xét tại kỳ họp này”.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. |
Theo quan điểm của đại biểu Nhưỡng, không nên đưa nội dung “giao Chính phủ quy định” vì thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
“Những gì Chính phủ đã được giao rồi thì Chính phủ cứ thực hiện, nếu nâng cao điều kiện nào đó thì Chính phủ báo cáo lại Quốc hội. Cho nên ban soạn thảo cần phải hết sức rõ ràng, tôi thấy Bộ trưởng nói nước đôi như thế tôi rất là lo (Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ nêu ra 2 luồng ý kiến về vấn đề mà không có ý kiến gì hơn nên ông Nhưỡng cho rằng "Bộ trưởng nói nước đôi" - PV)”, Đại biểu Nhưỡng kết thúc tranh luận.
Cũng trong sáng nay, Đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định) cho rằng Luật quy hoạch góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước, nên rất cần thiết phải sớm đưa Luật Quy hoạch (sửa đổi) vào thực tiễn. Do vậy, ông Dũng đề nghị Quốc hội “cứ thông qua, nếu có chỗ nào phải sửa thì kỳ họp sau chúng ta sửa tiếp”.