Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Chính phủ chủ động trả nợ đúng hạn
Thông tin này được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 27/5.
Trước câu hỏi của báo giới liên quan tới tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Việt Nam hiện nay đã tăng vọt so với 2 năm trước đây, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên cho biết, tỷ lệ trả nợ trực tiếp năm 2013 là 12,6%; năm 2014 là 13,8% và năm 2015 dự kiến khoảng 16,1%.
“Như vậy, tỷ lệ này vẫn ở dưới mức quy định là không quá 25%, trong tầm kiểm soát. Chính phủ đã chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Tỷ lệ trả nợ vẫn trong giới hạn an toàn, năm 2015 là 16,1% dưới ngưỡng 25% cho phép. |
Bên cạnh đó, để tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/2/2015. Trong đó, có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các khoản vay mới để chủ động bảo đảm nghĩa vụ trả nợ trong tương lai trong giới hạn cho phép.
Cũng tại họp báo, người phát ngôn Chính phủ cho biết, trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã nghe thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015.
Theo đó, lạm phát (CPI) tháng 5 tăng 0,16%, 5 tháng tăng 0,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục xu hướng tăng và tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, 5 tháng tăng 9,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tiếp tục tăng cao và đạt 9,05%. Tín dụng đối với nền kinh tế đến 20/5 tăng 4,26%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 4,95 tỷ USD, tăng 7,6%; vốn ODA giải ngân đạt 749 triệu USD, tăng 11,8%.
Dù tình hình tiếp tục khả quan, một số chỉ số tăng trưởng cao và ổn định, hoạt động doanh nghiệp khởi sắc… nhưng không vì thế chủ quan.
Khó khăn nhất trong 5 tháng qua là sản xuất nông nghiệp sụt giảm, theo đánh giá của Bộ trưởng NN&PTNT 20 năm mới xuất hiện hạn hán như hiện nay khiến người dân gặp nhiều khó khăn, kể cả ảnh hưởng về người, gia súc, cây trồng… Chính phủ đã bàn rất sâu để tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục, hạn chế tối đa những ảnh hưởng lớn.
Liên quan tới những khó khăn trong lĩnh vực phát triển du lịch, Bộ trưởng Nên thông tin, Chính phủ đã họp bàn và đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục hạn chế, trong đó có giải pháp sẽ mở visa cho một số nước.
“Khi bàn có nhiều ý kiến đặt ra tùy theo đối tác để mở visa, nhưng tới giờ này vẫn chưa có kết luận cụ thể. Mở visa cho nước nào, thời gian ra sao thì cần xem xét kỹ…”- Bộ trưởng Nên nhấn mạnh.
Trước diễn biến kinh tế vĩ mô, Thủ tướng chỉ đạo tập trung cố gắng tiếp tục bám chỉ tiêu, mục tiêu đề ra từ đầu năm; tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, theo sát tình hình để quản lý, điều hành như lãi suất, tỷ giá… Tập trung tái cơ cấu, tập trung huy động phát triển hạ tầng giao thông.
“Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành kiên quyết rà soát lại tất cả thể chế, thủ tục, rút ngắn thời gian để người dân bớt phiền hà, thời gian đi lại. Việc nào không còn phù hợp thì phải đề nghị sửa, việc nào chưa có trong quy định thì đề nghị bổ sung...”- Bộ trưởng Nên cho biết.