Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải vì sao vốn FDI “không chịu” vào nông nghiệp
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận thực tế thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp đang khá thấp, chỉ khoảng 0,9%. Nguyên nhân là do đặc thù đất đai của chúng ta nhỏ lẻ và manh mún, không đủ có được một diện tích lớn để chúng ta có khả năng tích tụ như dạng áp dụng cánh đồng lớn, không áp dụng ngày được khoa học kỹ thuật...
“Bản thân hạ tầng của các vùng nông thôn của chúng ta hạn chế; nguồn lực của chúng ta cũng hạn chế; kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư cũng như các thủ tục cũng còn phức tạp, nên chưa đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào nông nghiệp,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Bên cạnh đó, lợi thế so sánh trong lĩnh vực này với các nhà đầu tư chưa hấp dẫn, chưa đủ để họ tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Thực tế trước đây dự án vào nông nghiệp hầu hết là thất bại.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. |
Đề giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra một số giải pháp, trong đó có giải pháp cùng với Bộ NN&PTNT tham gia mở rộng hạn điền để tích tụ được diện tích đất lớn hơn; có quy định quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định và rõ ràng; hỗ trợ, kết nối được với các doanh nghiệp Việt Nam với với các tập đoàn có thế mạnh từ con giống đến nuôi trồng và chế biến; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của một nền nông nghiệp chất lượng cao; sửa Nghị định 210 để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Một số cơ chế, chính sách, ưu đãi có thể áp dụng cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực này như: Áp dụng ưu đãi trong khuôn khổ pháp luật cho phép; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng; tăng đối tượng, mở rộng diện hỗ trợ; đơn giản hóa các thủ tục đầu tư và giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ĐB Ngân cho rằng, nếu cứ loay hoay về giải pháp mà không bàn sâu hơn thì nông dân vẫn tiếp tục khó khăn. Theo ĐB Ngân, hạn điền không phải bài toán quan trọng mà phải phát triển chuỗi giá trị, hợp tác nông hộ nên phải phát triển được mô hình Hợp tác xã. Như Thái Lan đã áp dụng mô hình này và rất thành công, thậm chí họ còn có Bộ Kế hoạch đầu tư và hợp tác xã. Cho nên Bộ cần quan tâm hơn về vấn đề này hơn nữa.
Cũng trong phiên trả lời chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua Luật Đầu tư công cũng đã đạt được một số kết quả, góp phần tăng cường quản lý đầu tư trong tất cả các khâu, từ quy hoạch, kế hoạch cho đến chuẩn bị đầu tư, từ chuẩn bị xây dựng dự án đến triển khai, giám sát thực hiện, kiểm toán, quyết toán nghiệm thu công trình, tất cả các khâu đều được thực hiện chặt chẽ…
Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận vẫn còn một số hạn chế tồn tại như: Luật quy định có nhiều nội dung mới nên một số cơ quan, đơn vị nắm chưa chắc và nhận thức đầy đủ về yêu cầu, mục tiêu và quan điểm, quy định của luật; các nghị định hướng dẫn thi hành khi triển khai còn lúng túng, một số nội dung chưa đúng với quy định pháp luật, có khi còn trái với thẩm quyền của mình; chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt…