Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son sẽ thực hiện trong cả buổi chiều nay và đến đầu giờ sáng mai. Các vấn đề được lựa chọn chất vấn sẽ tập trung vào một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý báo chí, những mặt tốt, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, một vấn đề lớn khác nữa là những giải pháp để thúc đẩy thị trường viễn thông.
Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Son cho biết, Bộ TT&TT đã nhận được những câu hỏi trên các lĩnh vực báo chí, viễn thông, CNTT. Bộ đã gửi nội dung trả lời đầy đủ tới các ĐBQH.
ĐBQH chất vấn:
ĐB Ngô Đức Mạnh, Bình Thuận:
An ninh mạng đang là vấn đề nóng, xin Bộ trưởng đánh giá về nguy cơ mất an toàn an ninh thông tin ở Việt Nam?
ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm, Yên Bái:
Nghị định 97 giao cho Bộ thông tin thực hiện quản lý internet. Hiện các trang tin điện tử trang tin ngày càng nhiều, giật gân câu khác thu hút quảng cáo kiếm lời. Trách nhiệm của Bộ về vấn đề này?
Dư luận bất bình vì nhà mạng bắt tay nhau tăng giá cước 3G, theo Bộ trưởng việc tăng giá có hợp lý không?
ĐB Nguyễn Thanh Hải, đoàn Hòa Bình:
Liên quan đến tăng giá cước 3G vì bị lỗ, Bộ đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch gì trong việc bù đắp doanh thu bị giảm?
Số lượng người dùng 3G tăng mạnh, DN viễn thông không bị ảnh hưởng nhiều từ suy thoái kinh tế. Bộ có chuẩn bị gì để triển khai 4G ở Việt Nam?
ĐB Nguyễn Văn Minh, TPHCM:
Bộ trưởng có nghĩ rằng chúng ta có quá tải với các đài truyền thanh, truyền hình hay không?
Nghị định 72 Chính phủ đã ban hành, Bộ trưởng cho biết giải pháp thực hiện nhiệm vụ đề cập trong nghị định trên. Cả nước có bao nhiêu cơ quan thanh tra, có đáp ứng được nhu cầu không?
ĐB Trần Ngọc Vinh, Hải Phòng:
Thời gian qua báo chí trong nước không đưa tin kịp thời, chậm so với các trang mạng xã hội về một số vấn đề trọng đại trong nước. Vì sao có tình trạng đó, trách nhiệm thuộc về ai?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trả lời chất vấn:
Vừa qua, nhiều cuộc tấn công trên mạng nhưng chúng ta đã giải cứu thành công. Một số tờ báo cũng bị tấn công nhưng đã được hỗ trợ khắc phục. Việc các lực lượng bên ngoài tấn công, ảnh hưởng an ninh mạng của ta rất nhiều và chúng ta đã có cảnh báo.
Dù chúng ta sử dụng mạng internet, máy tính nhiều nhưng không biết sử dụng nên rất dễ bị ăn cắp thông tin, biến máy ta thành máy của họ. Rồi việc tải các dịch vụ trên mạng bị kèm theo mã độc nên nhiều máy tính có nguy cơ nhiễm, phá hủy máy của chúng ta. Mã độc có thể phá hủy một lò phản ứng hạt nhân của một nước. Chúng rất nguy hại, ảnh hưởng đến an ninh thế giới và chúng ta.
Bộ Thông tin đã quy định điều phối ứng cứu khẩn cấp, liên thông hợp tác với các tổ chức quốc tế thường xuyên ứng cứu khẩn cấp cho chúng ta, mới đây nhất là ứng cứu thành công 3 tờ báo mạng trong nước.
Hiện chúng ta đã có khoa an ninh thông tin mạng ở Học viện Bưu chính Viễn Thông. Ngoài ra còn có 5 đề án an toàn an ninh thông tin, trên cơ sở đó vận hành tốt hơn công nghệ thông tin phục vụ cho đất nước chúng ta.
Theo quy định, trong các cơ quan phải tổ chức các bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin mạng. Dù hiện giờ đã có nhưng chỉ mới ở mức kiêm nhiệm. Các cơ quan cần báo cáo các cơ quan chức năng khi có sự cố khẩn cấp để khắc phục kịp thời.
Chúng ta cũng không tải những phần mềm có nguy cơ chứa mã độc. Đối với trò chơi điện tử miễn phí cũng nên sử dụng các sản phẩm cấp phép không nên sử dụng các trò chơi miễn phí trên mạng để đảm bảo an toàn an ninh thông tin trên mạng...
15h25: Quốc hội nghỉ giải lao
15h45: Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tiếp tục trả lời các câu hỏi:
Liên quan đến Nghị định 72, thời gian qua có những hạn chế trong kiểm chứng thông tin. Nhiều tin chưa đầy đủ đã đưa lên mạng mà chưa xác minh, kiểm chứng. Nhiều phần tử xấu lấy thông tin sai lệch. Nhiều trang mạng đưa hình ảnh sai trái, sai lệch gây mất đoàn kết, phá hoại nội bộ, nói xấu đến Đảng, Nhà nước chúng ta…
Để quản lý việc này, Bộ đã tham mưu và Chính phủ đã ban hành Nghị định 97 vào năm 2008 trong việc quản lý internet. Sau một thời gian internet đã phát triển mạnh, việc ra đời Nghị định 72 để khắc phục những bất cập hiện nay. Nghị định còn có một chương riêng về an toàn thông tin.
Những trang thông tin điện tử tổng hợp trước đây đã cấp phép, còn các trang mạng xã hội bây giờ cũng phải đăng ký. Tuy nhiên những người dùng blog đăng ký bên ngoài hiện nay đang là một thách thức.
Trong chuyên trang mạng còn có một phần báo điện tử. Chúng ta chưa có chế tài với hoạt động của báo điện tử nên cần phải sửa đổi bổ sung luật báo chí.
Để thực hiện tốt việc này, chúng ta cũng phải thực hiện tốt việc cung cấp thông tin cho báo chí. Chính phủ đã ban hành về quy chế người phát ngôn, kịp thời cung cấp thông tin chính thống cho báo chí.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải có kế hoạch phản bác những thông tin sai trái trên mạng, bảo vệ an ninh quốc gia. Bên cạnh đó Bộ sẽ tăng cường thanh kiểm tra các trang mạng. Nếu các trang mạng được cấp phép vi phạm sẽ thu hồi giấy phép. Những trang thông tin cá nhân đưa tin chưa chính xác thậm chí sai trái hoàn toàn, khi phát hiện thông tin sai, địa phương phải phát hiện kịp thời, thông tin lại cho các cơ quan chức năng.
Giải pháp nữa là chúng ta phải giáo dục tuyên truyền để cộng đồng nêu cao ý thức, không vào những trang mạng có thông tin sai trái.
Về giá cước 3G, việc điều chỉnh giá cước được dư luận xã hội rất quan tâm. Giá cước của ta từ khi phát triển 3G đến nay không tăng. Thời gian qua tăng giá cước là chủ trương chung của Nhà nước, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, phù hợp với các nghị định ban hành, trong đó có luật giá, luật cạnh tranh…
Dịch vụ 3G khi ra đời có các giai đoạn tăng trưởng, bão hòa, suy thoái… nên phải giảm giá, rồi tăng giá dần lên. Nhưng từ năm 2010 đến nay chưa tăng giá lần nào. Vì thế Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 32, trong đó có nội dung từng bước nâng giá viễn thông để thị trường cạnh tranh lành mạnh. Thời gian qua, giá của ta thấp hơn giá thế giới nhiều lần. So với thế giới, giá cước 3G của ta thấp hơn 34% và chỉ bằng 50% giá thành của chúng ta. Tháng 9 có 90 triệu thuê bao, trong đó chỉ có gần 19 triệu thuê bao là 3G. Trong các gói cước có gói tăng, gói giảm, tổng cộng tăng trung bình 20%.
Tăng giá cước 3G là việc bình thường để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Mặt khác các nhà mạng đều thuộc Nhà nước, nên sẽ góp phần đóng góp cho ngân sách nhà nước. Các thiết bị đều nhập từ nước ngoài, nhà mạng không thể thanh toán giá cao bán với giá thấp được. Chúng ta phải hết sức chia sẻ điều này.
Về mạng 4G:
Khi điện thoại di động phát triển, thế hệ 3G đã bắt đầu kinh doanh từ những năm 2000. Trước đó, chúng ta đã có 2G từ năm 1993, từ đó loại hình này phát triển rất mạnh mẽ. Từ những năm 1995, Mobifone đã học tập kinh nghiệm từ nước ngoài, đem lại sức sống mạnh mẽ cho loại hình này ở Việt Nam. Sau đó hàng loạt các nhà mạng khác ra đời, trong đó Viettel. Từ đó có 3 nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone. Viễn thông là một trong số ít những doanh nghiệp thắng trên sân nhà.
4G là công nghệ mới ra đời, nếu chúng ta đủ điều kiện sẽ tiếp cận. Nhưng hiện công nghệ này mới chỉ là tiền 4G. Thái Lan sử dụng 3G mới đây và họ đã chuẩn bị lên 4G vào 2015, nhưng mới chỉ là tiền 4G. Hiện chúng ta vẫn đang khảo sát.
Quy hoạch viễn thông đến 2020 chúng ta sẽ từng bước áp dụng công nghệ mới vào Việt Nam. Đến 2015, chúng ta sẽ ứng ụng 4G vào Việt Nam. Bộ hiện đã cấp phép cho một số đơn vị thí điểm dịch vụ này.
Về Quy hoạch mạng lưới phát thanh, truyền hình:
Hiện có 64 đài các tỉnh, thành, 3 đài trung ương. Chúng ta có trên 70 kênh truyền hình nước ngoài tại Việt Nam. Nhiều như vậy nguồn lực sẽ phân tán. Chúng ta xã hội hóa nhưng nội dung truyền hình thì không xã hội hóa mà chỉ có liên kết nội dung phát sóng.
Về Thanh tra viên:
Thủ tướng đã ban hành quyết định về thanh tra viên, đây là cơ hội để Bộ thực hiện tốt chuyên ngành về thanh tra. Hiện cả nước có khoảng 300 thanh tra viên. Con số này là chưa đủ nguồn lực để làm. Chúng tôi đề nghị các cấp các ngành thực hiện tốt quy định, tạo điều kiện bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ thanh tra cơ sở để làm tốt hơn nhiệm vụ thanh tra.
Về việc báo đưa tin chậm:
Lý do là trong thời gian qua, các trang truyền thông phát triển mạnh mẽ đưa tin nhanh, kịp thời nhưng nội dung cần phải xem xét. Báo chí phải có quy chế xác định nguồn tin, còn trang mạng xã hội nghe tin là đưa ngay.
Lý do thứ 2, một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ quy định của Chính phủ về việc cung cấp thông tin từ người phát ngôn.
Thủ tướng đã thay đổi Nghị định 77 bằng Nghị định 25, đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp thông tin chính thống cho báo chí. Bộ ngành, địa phương hàng tháng phải cung cấp thông tin cho báo chí trên website. Những vấn đề đột xuất phải cung cấp tin kịp thời trong 1 ngày thay vì 2 ngày như trước đây. Khi có thông tin sai, người phát ngôn phải công bố, bác bỏ thông tin đó ngay.
Dự án luật tiếp cận thông tin thuộc về Bộ Tư pháp.
Các ĐBQH tiếp tục chất vấn:
ĐB Nguyễn Thanh Hải hỏi lại: Tôi thống nhất với câu trả lời. Mong Bộ trưởng làm rõ thêm, tăng giá cước có phải chỉ để bù đắp cho các dịch vụ OTT?
ĐB Nguyễn Ngọc Phương, Quảng Bình, phản ánh và chất vấn: Đề nghị khảo sát lại các cột phát sóng truyền hình vì có chuyện cột đổ. Việc quy hoạch chưa hợp lý, thiếu chặt chẽ, nhiều cột đặt ở khu dân cư, trên nóc nhà, gây phản cảm.
Thị trường hiện xuất hiện loại tiếp thị xưng danh là tạp chí cơ quan đảng, nhà nước, gây sức ép để phải mua báo gây bức xúc.
Cử tri cho rằng không quản lý được dịch vụ mạng, sim rác tràn lan. Trách nhiệm của Bộ trưởng và hướng xử lý?
ĐB Hà Sĩ Đồng, Quảng Trị: Có hàng trăm cơ quan báo chí in, 67 đài truyền hình, hàng trăm báo, trang tin điện tử, trách nhiệm của Bộ trưởng trong quy hoạch mạng lưới báo chí để khắc phục tình trạng lãng phí, trùng lặp thông tin, cạnh tranh thiếu lành mạnh?
Dự kiến sửa điều 7 của Luật báo chí, Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?
ĐB Trần Quốc Tuấn, Trà Vinh: Hiện trên thị trường có nhiều sim rác để gọi mà không cần thông tin cá nhân. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý, Bộ trưởng có giải pháp gì đến thị trường sim rác?
Đoàn Nguyễn Thùy Trang, TPHCM: Hiện có loại hình báo lá cải, mô tả tinh vi về hành vi tội ác, giật gân câu khách… Xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết trường hợp này?
Về quy chế phát ngôn, một số cơ quan còn từ chối cung cấp thông tin. Xin Bộ trưởng cho biết có giải pháp nào để các tổ chức thực hiện đúng quy chế cung cấp thông tin cho báo chí?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trả lời:
Về giá cước 3G: Tăng giá không chỉ thu lại lợi nhuận mà còn tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh trong thị trường viễn thông Việt Nam, phục vụ cho Quyết định số 32, hay luật cạnh tranh để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Chất lượng mạng chưa cao, việc đầu tư 2 tỷ đô la nhưng giá thấp, trong khi người dùng ngày càng tăng lên. Vì thế tăng giá cước cũng là điều kiện để nâng cao chất lượng 3G.
Về cột phát sóng: Hiện chất lượng cột phát sóng chưa tốt, bị mưa bão làm đổ như ở Nam Định, Quảng Ninh. Chúng tôi tiếp thu, thời gian tới sẽ chấn chỉnh để đảm bảo chất lượng tốt hơn. Các trạm BTS sẽ được gia cố, đảm bảo an toàn trong mọi thời tiết.
Trong quy hoạch hạ tầng viễn thông có quy hoạch trạm BTS. Còn thông tin ảnh hưởng về phơi nhiễm do các cột phát sóng, các tổ chức nước ngoài đã đánh giá là không có. Việc gây mất mỹ quan, tới đây sẽ xây dựng quy hoạch để bố trí hợp lý hơn, khắc phục tình trạng này.
Vấn đề tiếp thị báo chí: Chúng tôi cũng gặp những cuộc tiếp thị ở NXB này kia, thực tế này đang diễn ra. Trong nhiều buổi giao ban chúng tôi đã nêu ra, yêu cầu các NXB phải chấn chỉnh. Hiện có khoảng 60 NXB nhưng có hàng nghìn cơ sở phát hành. Chúng tôi hi vọng các cấp ngành cùng vào cuộc để chấm dứt tình trạng gây phiền nhiễu.
Về vấn đề tin nhắn rác: Trong thị trường hiện nay, nguồn tin nhắn rác có 3 nguồn: thông qua nhà mạng thực hiện những cuộc gọi không mong muốn, nhắn tin không mong muốn – thư, tin gửi đến người nhận không có nhu cầu; nguồn thứ hai, nhà mạng cung cấp dịch vụ nội dung lợi dụng nhắn tin quảng cáo vì nó rẻ hơn; nguồn thứ 3, tin nhắn từ sim rác – không đăng ký thông tin cá nhân.
Để quản lý việc này, đối với nhà mạng, chúng tôi đã từng bước ngăn chặn được. Với sim rác, thời gian qua đã có những cuộc thanh tra chấn chỉnh các hoạt động này. Chỉ thị 04 nêu rõ khi bán sim thì phải lấy thông tin cá nhân của người mua như ở các nước đang thực hiện. Tuy nhiên thực tế, các đại lý vẫn lách luật. Nhiều cơ sở khi đến kiểm tra họ có lưu thông tin nhưng tình trạng giả rất nhiều. Chúng tôi đang tiếp tục kiểm tra và cũng mong các cấp, ngành tham gia làm việc này.
Ngoài ra, Thông tư 14 về quản lý sim rác cũng để quản lý cước hòa mạng. Mỗi sim khi bán ra theo quy định không có tiền gọi sẵn trong đó. Muốn gọi điện phải có thẻ cào, phải đăng ký danh tính. Tránh tình trạng mua sim thay thẻ cào như trước đây.
Về quản lý, quy hoạch báo chí: Chúng ta đang có 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình, 17 nghìn phóng viên được cấp thẻ trong cả nước… Báo chí đóng góp rất tốt trong tuyên truyền đường lối của Đảng, Nhà nước và phục vụ cho nhân dân. Báo chí xứng đáng với tấm Huân chương Sao Vàng vào năm 2010.
Song báo chí vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Nhiều báo chí của ngành, địa phương này lại đưa quá nhiều tin tiêu cực của ngành, địa phương khác. Chúng tôi thường xuyên chấn chỉnh trong các cuộc giao ban định kỳ.
Nhiều tờ báo còn đưa tin sai, không được kiểm chứng gây bức xúc, hoang mang cho xã hội. Báo chí không chỉ là người cung cấp thông tin mà còn phải xây dựng lòng tin, để tăng cường đoàn kết, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu KT-XH trong hoàn cảnh khó khăn này.
Sắp tới sẽ sửa luật báo chí, khắc phục những bất cập hiện nay. Ngoài ra các địa phương, bộ ngành cũng cần cung cấp thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất để báo chí có điều kiện tiếp cận với thông tin chính thống. Nhà báo cũng phải tiếp cận thông tin, phê phán mặt trái của xã hội. Những vụ án phức tạp không đưa tỉ mỉ, nhiều kỳ làm hoang mang dư luận, gây bức xúc trong nhân dân. Điều này hoàn toàn trái với tôn chỉ mục đích của báo chí.
Cơ quan chủ quản cũng phải có trách nhiệm với cơ quan báo chí của mình, phải chịu trách nhiệm trước những hoạt động sai trái từ các cơ quan báo chí của mình.
17h00, Quốc hội nghỉ. Sáng mai (21/11) Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tiếp tục trả lời chất vấn.