Bộ trưởng LĐTB&XH: Doanh nghiệp trốn đóng BHXH cần xử lý hình sự!
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đồng tình với việc xử lý trách nhiệm hình sự với DN trốn đóng BHXH cho người lao động. |
Báo cáo giám sát của UBTVQH cũng như nhiều ĐBQH đã đề xuất nên xử lý hình sự đối với những chủ DN trốn đóng BHXH cho người lao động. Bà có đồng tình với quan điểm này?
Ý kiến này hoàn toàn đúng. Ngay cả ban soạn thảo cũng đồng tình ý với kiến đó. Những DN cố tình trốn đóng BHXH khi người lao động đã bị trừ vào tiền lương thì nên áp dụng biện pháp hình sự. Có như vậy mới nghiêm được.
Vậy khi nào mới có thể thực hiện được chế tài này, thưa Bộ trưởng?
Sau khi luật có hiệu lực thi hành, Chính phủ sẽ có nghị định triển khai những vấn đề cụ thể. Bản thân dự thảo đã xây dựng hàm ý cần có biện pháp nặng đối với DN trốn đóng BHXH nhằm áp dụng chế tài hình sự với tội danh này.
Có ĐB cho rằng, dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này là “mất nhiều hơn được” kiểu như “phú quý giật lùi”. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?
Quan điểm như vậy thì tôi không đồng ý. Dự thảo luật này có rất nhiều vấn đề mới, mà chủ yếu là bảo vệ cho quyền lợi người lao động. Tuy nhiên có những vấn đề tính so sánh như kéo dài thời gian được hưởng 45% lương, hay kéo dài tuổi nghỉ hưu.
Về tâm lý, tất cả mọi người đều không muốn. Chúng tôi cũng không muốn. Song về lâu dài, để đảm bảo tính ổn định và phát triển của quỹ, như ILO đã dự báo, nếu ta không tiến hành các giải pháp đồng bộ thì khả năng vỡ quỹ vào năm 2034 rất dễ xảy ra.
Vì vậy, ta phải tìm nhiều giải pháp vừa tăng cường quản lý vừa thực hiện các chính sách cụ thể trong lĩnh vực bảo hiểm, như trước mắt kéo dài thời gian 4 tháng một năm. Song với những ý kiến đóng góp của các đại biểu thì Ban soạn thảo sẽ phải lắng nghe.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Luật BHXH sửa đổi là bước thụt lùi trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Ban soạn thảo có dự đoán được những phản ứng này?
Việc có ý kiến phản ứng là bình thường vì góc độ của người soạn thảo là tính đến yếu tố lâu dài. Nhưng sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu đóng góp cho luật này, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu đưa ra phương án cho phù hợp với ý kiến của đa số, nhất là việc sửa nội dung khoản 3 điều 187 có tính logic hơn, mặc dù điều này đã loại trừ lao động nặng nhọc sẽ không nâng tuổi mà giữ nguyên và lao động trực tiếp thì để sau năm 2020 mới tăng tuổi hưu.
Dù có lộ trình như vậy nhưng phần đông đại biểu thấy cũng không nên mà cho rằng tốt nhất sửa luôn khoản 3, điều 187. Đó là những ý kiến rất hay và tới đây Bộ sẽ báo cáo lên Chính phủ.
Nghĩa là hướng sửa đổi của Luật chưa quy định tăng tuổi nghỉ hưu với công nhân lao động mà chỉ áp dụng với cán bộ viên chức?
Có thể nói là như vậy, vì công nhân lao động có 2 loại, những người trực tiếp ở hệ số phụ cấp nặng nhọc độc hại là 0,7 thì không nâng tuổi hưu. Còn những lao động khác như dệt may chẳng hạn thì phải sau năm 2020. Lộ trình nâng tuổi hưu mỗi năm 4 tháng là cho những lao động ở cơ quan hành chính sự nghiệp.
Bộ trưởng giải thích như thế nào trước ý kiến về phí quản lý bộ máy BHXH quá cao, hiện được đề xuất ở mức 3%?
Vừa qua chúng ta lấy từ phí sinh lời của quỹ, chứ không phải từ quỹ. Dự thảo lần này cũng đề nghị phí quản lý không vượt quá 3% của khoản sinh lời của quỹ.
Tôi thấy nhiều ý kiến đại biểu nói đúng. Phần bảo hiểm đóng hưởng, thì ta không sử dụng từ đó, mà phải lấy từ ngân sách, hoặc từ phần sinh lời.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!