Bộ trưởng GTVT "nói lời gan ruột" thuyết phục ĐBQH về sân bay Long Thành
Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành là dự án quan trọng và đã được quy hoạch từ năm 2005 nhưng phải đến kỳ họp cuối của QH khóa XIII mới thông qua. Riêng về nội dung giải phóng mặt bằng (GPMB), Bộ GTVT và UBND tỉnh Đồng Nai sẽ báo cáo Quốc hội về cơ chế đặc thù trong việc di dân tái định cư.
Để thuyết phục các Đại biểu Quốc hội về tính cấp bách trong triển khai dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết Chính phủ và Ban Bí thư đã bàn rất kỹ về chủ trương xây dựng dự án. Bộ trưởng Nghĩa nêu thực trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay:
“Sân bay Tân Sơn Nhất đã vượt công suất 37% trong năm 2016, Bộ GTVT đã nhận được sự đồng thuận của Bộ Quốc phòng, TP. HCM đã triển khai một loạt dự án xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất cũng như nâng cấp sân bay này.
Đề án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc, nâng công suất 25 triệu lượt khách/năm đã không khả thi mặc dù rất được Bộ Quốc phòng ủng hộ. Việc mở rộng không khả thi với nhiều lý do, trong đó có lý do vướng mắc trong GPMB và khả năng ô nhiễm tiếng ồn.
Cuối cùng Chính phủ đã lựa chọn xây thêm nhà ga T4 cho sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến đến năm 2019 sẽ xong. Nhưng theo tính toán, đến năm 2022 nhà ga T4 sẽ lại đầy công suất, có nghĩa là sân bay Tân Sơn Nhất không thể đảm đương nhiệm vụ do quá tải. Nên dự án sân bay Long Thành đến năm 2025 hoàn thành là hết sức cấp bách. Phương án sân bay Long Thành là phương án chúng ta phải thực hiện vì yêu cầu thực sự.”
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa |
Về nguồn vốn cho dự án, Nghị quyết 94 của Quốc hội khóa XIII có nhắc đến nhiều nguồn: NSNN, ODA, vốn nhà đầu tư, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nghĩa cho biết GPMB thì không thể huy động vốn ODA hay vốn tư nhân, nên chỉ có thể huy động từ NSNN.
Dự kiến NSNN sẽ chi 23.000 tỷ đồng cho việc đền bù GPMB và tái định cư cho người dân thuộc dự án. Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng khu vực sân bay Long Thành còn có thể tạo nhiều nguồn thu từ việc khai thác quỹ đất để bù đắp con số trên. Ngoài ra, dự án sân bay Long Thành có nhiều NĐT trong và ngoài nước quan tâm.
Việc tư nhân tham gia đầu tư sân bay, nhà ga không còn mới mẻ. Nhà ga quốc tế Đà Nẵng hoàn toàn do tư nhân đầu tư; sân bay Nha Trang cũng đang được đầu tư bởi DN tư nhân; Nhà ga T4 sân bay Tân Sơn Nhất cũng có nhiều nhà đầu tư; Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) hoàn toàn do tư nhân đầu tư xây dựng. Cho nên sân bay Long Thành hoàn toàn có thể kêu gọi vốn đầu tư theo hình thức PPP (công - tư kết hợp). Phần vốn NSNN chỉ phải bỏ ra giai đoạn GPMB. Đến giai đoạn cuối cùng trong tổng mức đầu tư khoảng 16 tỷ USD thì tỉ lệ GPMB của nhà nước còn rất thấp.
“Chúng tôi mong Quốc hội cân nhắc, cân đối để làm tốt GPMB, tạo điều kiện kêu gọi đầu tư cho giai đoạn 1 thành công. Vì thực sự với trần nợ công hiện nay, để đầu tư cho sân bay Long Thành bằng NSNN là khó khăn, nhưng để kêu gọi NĐT thì phải có qũy đất sạch”, Bộ trưởng Nghĩa nói.
Trước một số ý kiến của các ĐBQH về cơ sở pháp lý, cũng như lựa chọn sửa Nghị quyết 94 hay ra Nghị quyết mới, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng điều này “trông cậy cả vào các ĐBQH, những nhà làm luật”.