Bộ trưởng GTVT chỉ ra nguyên nhân đội vốn, chậm tiến độ dự án đường sắt đô thị
Các dự án đường sắt đô thị được chỉ ra là dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội), dự án đường sắt Bến Thành – Suối Tiên (TP.HCM),… Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định đường sắt đô thị là nhu cầu lớn ở các đô thị như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các đô thị này cần có một loại hình vận tải mới, nhanh và an toàn hơn so với phương tiện vận tải công cộng hiện nay là xe buýt.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thể cho rằng một số dự án đường sắt như Cát Linh – Hà Đông, Bến Thành – Suối Tiên bị chậm tiến độ và đội vốn là do hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, giai đoạn lập dự án giá cả tăng liên tục do lạm phát tăng phi mã dẫn đến trượt giá.
“Khi lập dự án, quy mô đưa ra là tầm nhìn đến năm 2030, nhưng khi triển khai, thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh quy mô đến năm 2040, đồng thời đưa vào các công nghệ mới với lưu lượng lớn. Việc tăng quy mô dẫn đến tăng chi phí, cộng với việc trượt giá dẫn đến tăng đột biến về giá”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá.
Cùng với hệ thống đường sắt đô thị, các ĐBQH cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến đường sắt Bắc – Nam, nhất là tình trạng tai nạn giao thông đường sắt có dấu hiệu gia tăng trong thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. |
Nói về thực trạng ngành đường sắt hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận hệ thống đường sắt Băc – Nam hiện nay đã quá lạc hậu nên kết cấu hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, ý thức người tham gia giao thông cũng như ý thức của cán bộ đường sắt chưa được tốt cũng là nguyên nhân gây nên tai nạn.
Mặc dù quy hoạch giao thông đã có đủ nhưng công tác quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập. Điều 12 Luật Đường sắt quy định Bộ GTVT quản lý phần đất thuộc đường sắt, còn phần đất thuộc hành lang lộ giới thuộc quản lý của địa phương. Tuy nhiên công tác phối hợp giữa Bộ GTVT và các địa phương chưa tốt nên quy hoạch chất lượng thấp, quản lý kém.
Bộ trưởng cho biết hiện nay cả nước có 5.719 đường giao cắt dọc tuyến đường sắt Bắc – Nam. Trong đó, 1.519 đường giao cắt do Tổng Công ty đường sắt bố trí nhân viên trực, còn lại là các đường cắt dân sinh luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua bổ sung 7 nghìn tỷ đồng để nâng cấp hệ thống đường sắt hiện nay. Tuy nhiên, cần có tầm nhìn dài hạn hơn đối với hệ thống đường sắt Bắc – Nam.
Hiện chỉ Việt Nam và một vài nước còn sử dụng đường sắt khổ 1m, nên việc nâng cấp cũng cần đắn đo. Trong khi đó, các nước trên thế giới đã chuyển sang dùng đường sắt khổ 1m40 hoặc đường đôi.
“Chúng ta cố gắng duy trì hệ thống đường sắt hiện nay, đồng thời cần xây dựng hệ thống đường đôi. Nếu không thông qua dự án đường sắt cao tốc, sẽ không thể nào giải quyết căn cơ bài toán đường sắt của Việt Nam”, Bộ trưởng GTVT liên tục đề cập đến dự án đường sắt cao tốc đang được Bộ này soạn thảo để trình Quốc hội vào năm 2019. Trước đó, năm 2010 Quốc hội đã không thông qua dự án có quy mô vốn hàng chục tỷ USD này.