Bộ trưởng GD&ĐT: Các trường học không mua bán bằng giả
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhận được nhiều câu hỏi khi QH chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ. (Ảnh IT) |
Bên cạnh đó, nhiều ĐBQH cũng phản ánh tình trạng sinh viên (SV) ra trường thất nghiệp, phải đi làm thêm nhiều việc, kể cả đi bán trà đá vỉa hè để duy trì cuộc sống…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận cho biết biên chế mầm non tăng lên lý do là giờ làm việc của cô giáo tăng lên, vì các bà mẹ gửi con sớm hơn nên vượt quá 8 tiếng theo quy định. Khi triển khai đề án đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, để thay phương án giáo dục mới cũng phải giảm sĩ số lớp học, từ 60 xuống 40 cháu một lớp nên cô giáo có tăng cục bộ chỗ này chỗ khác.
Liên quan đến vấn đề bằng giả, mua bán bằng cấp, cơ quan công an đã phát hiện nhiều vụ việc. Nhưng Bộ trưởng cho biết chưa phát hiện vụ việc nào mua bán bằng từ nhà trường mà các vụ việc chỉ xảy ra ngoài xã hội.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết, Cục xuất nhập cảnh cũng phản ánh phát hiện ra nhiều bằng giả đi ra nước ngoài du học. Từ thực tế đó các trường ĐH đã phối hợp với cơ quan công an phối hợp, phá được nhiều vụ việc mua bán bằng cấp giả mạo.
“Bộ đã chỉ đạo các nhà trường, các Sở tiến hành công khai danh sách học sinh sinh viên của mình tốt nghiệp, để các cơ quan sử dụng lao động có thể căn cứ vào thông tin đó mà đối chiếu. Chỉ cần lên mạng sẽ xác định được ngay số sinh viên ra trường từ vài năm trở lại đây”.
Về tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, thực tế này không chỉ các ngành, mà ngay ngành sư phạm, SV tốt nghiệp cũng chưa có việc làm. Giải quyết vấn đề này, Bộ sẽ phối hợp với các ngành chức năng khác để kết hợp đào tạo với sử dụng lao động.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói thêm, trước đây các trường bố trí việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp, nhưng sau khi đổi mới chúng ta đã bỏ chế độ phân công công tác. Từ đó quá trình đào tạo với sử dụng lao động đã được phân tách ra.
Trước thực tế đó, Bộ GD&ĐT và các ngành đã phối hợp, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đề ra các giải pháp. Bộ đã thành lập trung tâm phát triển nguồn nhân lực, trao đổi để xác định nhu cầu một số cán bộ mới ở các KCN.
Liên quan đến tình trạng 27 điểm không được đỗ vào Đại học Y mà ĐB Trần Ngọc Vinh phản ánh, Bộ trưởng Luận cho biết, các trường được quyền tự chủ quyết định điểm sàn, ngay cả Bộ trưởng cũng không được can thiệp vào điểm sàn đó. Vì thế nếu trường Đại học Y tập trung nhiều học sinh giỏi, thì các cháu đạt 27 điểm mà không đỗ cũng là bình thường. Nhưng Bộ trưởng cũng khẳng định, từ xưa đến nay chưa có cháu HS nào ở vùng khó khăn đạt 27 điểm mà trượt.