Bộ trưởng Công Thương: Cán bộ phải thử phân bón giả bằng..miệng!
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời trước câu hỏi “truy vấn” của các ĐBQH về tình trạng hàng giả, hàng lậu kém chất lượng tràn lan trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 17/11.
Dùng miệng kiểm nghiệm hàng giả
Đặt câu hỏi xoay quanh tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng lậu đang tràn lan với trưởng ngành công thương, ĐBQH Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nêu vấn đề: “Hiện nhiều mặt hàng trong nước sản xuất được, xài không hết nhưng hàng nhái, hàng giả, hàng lậu lại tràn ngập thị trường, nhất là trong lĩnh vực phân bón khiến người dân vô cùng hoang mang. Từ nay tới cuối năm 2015 bộ trưởng có dám cam kết với ĐB, cử tri sẽ truy quét các loại hàng giả, hàng nhái? Liệu tỷ lệ sẽ giảm được bao nhiêu phần trăm?”.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Để xác định chất lượng phân bón trên thị trường, ở khá nhiều nơi anh em QLTT đã phải dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón |
Thừa nhận tình trạng hàng giả, hàng nhái đang là vấn đề “nhức nhối” từ nhiều năm nay, lực lượng chức năng đã hết sức cố gắng nhưng kết quả còn hạn chế trong đó có lực lượng quản lý thị trường (QLTT).
Bộ trưởng Hoàng cũng cho biết, trong báo cáo kiểm điểm cá nhân để phục vụ lấy phiếu tín nhiệm ông cũng đã nhận trách nhiệm về hạn chế này.
“Dù ngành công thương, quản lý thị trường đã có nhiều cố gắng, các ngành khác như biên phòng, công an nỗ lực nhưng hiệu quả không cao. 10 tháng đầu năm 2014 số vụ kiểm tra và xử phạt đều cao hơn từ 12 – 14%, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp”- Bộ trưởng Hoàng nói.
“Tư lệnh” ngành công thương lý giải nguyên nhân là do dung lượng thị trường ngày càng phát triển mạnh, độ mở của nền kinh tế lớn nên việc giao thương hàng hóa có tỷ trọng ngày càng tăng. Cùng với đó một số phần tử làm ăn không chính đáng cũng lợi dụng kẽ hở để đưa hàng chất lượng kém, hàng giả vào tiêu thụ trong thị trường nội địa, thách thức với cơ quan quản lý.
Phân tích nguyên nhân cụ thể hơn, theo ông Hoàng là dù lực lượng QLTT đã rất cố gắng, nhưng phương tiện, công cụ để tác nghiệp, kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa còn quá thiếu, yếu.
“Thậm chí, để xác định chất lượng phân bón trên thị trường, ở khá nhiều nơi anh em QLTT đã phải dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón. Đây là hiện tượng có thật”- Bộ trưởng Hoàng chia sẻ.
Ngoài ra, không loại trừ trong lực lượng QLTT, dù thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra nhưng vẫn còn tình trạng tiêu cực, làm việc chưa hết trách nhiệm, thậm chí có thể bao che cho hành vi sai phạm.
Và cuối cùng là sự phối hợp lỏng lẻo trong công tác quản lý giữa bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Tình trạng thực tế là vậy, song Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng không đưa ra cam kết tới năm 2015 sẽ giảm được bao nhiêu phần trăm hàng giả, hàng lậu kém chất lượng trên thị trường, mà chỉ bày tỏ “chắc chắn không thể không cải thiện, ngành sẽ hết sức nỗ lực cố gắng”.
Ông cũng tin tưởng, với sự ra đời của Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại (Ban chỉ đạo 389) do trực tiếp Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng ban, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành thì công tác chống hàng giả sẽ cải thiện hơn.
“Không có lý do gì để không tin rằng hoạt động này sẽ có chuyển biến trong 2015 và những năm tiếp theo”- ông nói
“Tôi buồn vì câu trả lời của Bộ trưởng Hoàng”
Ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, ĐB Nguyễn Thị Khá xin bấm nút lần thứ 2 để “truy” trách nhiệm cho rõ: “Tôi buồn vì Bộ trưởng nói thiếu phương tiện kiểm định, tới phân bón phải kiểm nghiệm bằng miệng, thì nếu là thuốc trừ sâu sẽ kiểm nghiệm bằng gì?”.
Ngay sau đó, chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội về phần trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ĐB Khá tỏ ra khá bức xúc. Theo bà, dư luận xã hội đang rất trông chờ một câu trả lời có trách nhiệm từ Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Bộ trưởng phải trả lời sao để người dân họ tin tưởng, chứ với câu trả lời về cách chống hàng gian, hàng giả như bộ trưởng nói thì dân không phục, tôi cũng không đồng tình và cảm thấy rất buồn.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): Tôi buồn vì câu trả lời của Bộ trưởng |
“Chống hàng gian, hàng giả mà đi chống bằng cách “nếm bằng miệng” thì biết chừng nào chống được. Biết chừng nào làm rõ để người dân họ yên tâm sản xuất đúng theo pháp luật? Trong khi những kẻ gian dối thì làm như vậy, Bộ trưởng lại nói cán bộ dùng phương tiện thô sơ như thời cổ đại để kiệm nghiệm hàng như vậy thì khó có thể chấp nhận được”- ĐB Nguyễn Thị Khá khảng khái.
Theo bà, công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái không chỉ có riêng trách nhiệm của ngành công thương mà gồm nhiều cơ quan khác. Nhưng Bộ Công thương là cơ quan tham mưu cho Đảng, Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công thương còn là phó ban Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại (Ban chỉ đạo 389) thì với những công việc liên quan tới ngành mình thì mình phải “sắm vai chính”. Phải có đề xuất, mua sắm trang thiết bị ra sao, phương tiện gì cần thiết cho mặt hàng nào để cán bộ có thể tác nghiệp.
“Nếu thực sự thiếu phương tiện đến mức này , trách nhiệm chính ở cơ quan quản lý Nhà nước. Lĩnh vực mua bán của ngành thương mại, thì trách nhiệm rõ ràng ngành công thương. Chứ bộ trưởng không thể trả lời như vậy được. Tôi không đồng ý”- ĐB Khá nhắc lại.