Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: "Vinalines từng không tiếp Viện trưởng kinh tế"
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: "Vinalines từng không tiếp Viện trưởng kinh tế"
>>"Thủ tướng gọi tôi giao phải ngăn chặn đầu tư dàn trải"
Chiều nay (13/6), Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh đã trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Những vấn đề Bộ trưởng KH-ĐT trả lời liên quan đến việc chậm trễ trong bố trí vốn đầu tư năm 2012, vốn chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, tính khả thi của các giải pháp đảm bảo thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch kinh tế xã hội năm 2012, vốn chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2015 ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và hiệu quả vốn đầu tư thuộc trách nhiệm của Bộ - nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh |
Nổi trội hơn cả vẫn là những chất vấn liên quan đến sai phạm lớn ở các tập đoàn như vụ Vinalines. ĐB Lê Thị Nga (Đoàn ĐB Thái Nguyên) chất vấn khá gay gắt: "Nguyên nhân chủ quan nào dẫn đến việc các tập đoàn nhà nước đã được giám sát chặt nhưng vẫn để xảy ra sai phạm lớn như vụ Vinalines. Vậy trách nhiệm của bộ trưởng ở đâu? Bộ trưởng sẽ làm gì để giám sát chặt chẽ các tổng công ty này". Câu hỏi này bà Nga nêu ra không chỉ dành riêng cho Bộ KH-ĐT mà còn cả Bộ Tài chính, Bộ GTVT.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, về nguyên tắc, Bộ KH-ĐT cũng như các cơ quan khác của Chính phủ đều có trách nhiệm trong những vụ việc này. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, do các văn bản pháp luật hiện hành chưa có chế tài riêng đối với DN Nhà nước nên việc giám sát gặp nhiều khó khăn, bởi vậy, "các công ty không báo cáo nên bộ không nắm được".
ĐB Lê Thị Nga tiếp tục chất vấn sâu hơn về trách nhiệm của bộ trưởng trong vụ Vinalines. Bộ trưởng Vinh cho rằng, khi phát hiện sai phạm của Vinalines, bộ đã có báo cáo lên Chính phủ và đề nghị bổ sung 2 luật: Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cùng với một số luật của các bộ khác soạn thảo. Tuy nhiên, đây mới là hai luật liên quan trực tiếp đến bộ KH-ĐT.
Bộ trưởng Vinh thanh minh rằng, Vinalines được tự quyền quyết định mọi chuyện và chỉ báo cáo với chủ sở hữu. Thậm chí khi Viện trưởng Viện kinh tế xuống họ cũng không tiếp vì cho rằng không có trách nhiệm phải báo cáo.
Trước năm 2005, Việt Nam có luật riêng dành cho doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, để giải phóng sức sản xuất, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã không phân biệt loại hình này. Doanh nghiệp Nhà nước được trao quyền tự chủ lớn hơn, tự chủ trong các dư án đầu tư, không phải báo cáo. “Chính vì lý do này mà trong nhiều trường hợp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng chịu, không thể tiếp cận thông tin. Ngay đến Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đến mà doanh nghiệp còn không tiếp. Chính vì vậy mà những sự vụ như ở Vinashin, Vinalines, thực sự chúng tôi không nắm được”.
Cùng mối quan tâm về vụ Vinalines, ĐB Trần Du Lịch đặt vấn đề: "Cách đây 2 năm, Bộ trưởng cũng tranh luận là mình vô can trong vụ Vinalines nhưng thật sự bộ trưởng có xót xa không khi sử dụng tiền của dân để đổ vào những sai phạm của Vinalines?".
Với câu chất vấn này, Bộ trưởng cho biết, ông rất xót xa và trăn trở về tiền bạc bị thất thoát từ sai phạm của các dự án. Vấn đề này còn liên quan đến bản chất con người nên cần quan tâm đến đạo đức của những người quản lý ở các tổng công ty này, vì đã có luật nhưng họ vẫn bất chấp, cố tình phạm luật.
Bảo Nam