Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 8 năm qua
Sáng ngày 7/3, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 (bao gồm: mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 5 năm 2016-2020); kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016-2020.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trong tháng 12/2015, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,6% so với tháng 12/2014, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2001; bình quân cả năm 2015 tăng 0,63% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Theo ông Bộ trưởng, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp chủ yếu do: giá dầu thế giới giảm mạnh (giảm khoảng 50% so với năm trước), tác động làm giảm giá xăng dầu và giá các hàng hóa khác; nguồn cung hàng hóa dồi dào, bao gồm cả lương thực, thực phẩm, hàng công nghiệp và dịch vụ.
“Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhưng không có biểu hiện giảm phát. Tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu đã tăng khá mạnh; tăng trưởng kinh tế cao nhất trong vòng 8 năm qua”, ông Vinh cho biết.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: Tuấn Minh) |
Theo ông Vinh, trong năm 2015 tín dụng đối với nền kinh tế được cải thiện. Tăng trưởng tín dụng cao hơn năm trước. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 15,64%; tín dụng đối với nền kinh tế tăng 17,29%, tổng phương tiện thanh toán tăng 15,6% so với cuối năm 2014.
Thu NSNN đạt mức cao, mặc dù giá dầu thô giảm mạnh so với Nghị quyết của Quốc hội (từ 100 USD xuống 56,2 USD/thùng, thấp hơn 0,5 USD/thùng so với giá ước báo cáo Quốc hội), nhưng tổng thu NSNN cả năm đạt 996,87 nghìn tỷ đồng, tăng 85,77 nghìn tỷ đồng so với dự toán và cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội là 69,37 nghìn tỷ đồng. Tổng chi NSNN đạt 1.262,87 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với dự toán. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 là 256 nghìn tỷ đồng, bằng mức đã được Quốc hội cho phép.
Đề cập đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nền kinh tế nước ta phục hồi rõ nét và đạt tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn so với dự báo trước đây.
Tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 6,68%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, cao hơn số đã báo cáo Quốc hội (khoảng 6,5%) và cao hơn mục tiêu đề ra là 6,2%; trong đó: Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,29%, cao hơn nhiều so với năm trước (năm 2014 tăng 7,14%), đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng chung. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục tăng trưởng. Tổng sản lượng lương thực có hạt toàn quốc đạt gần 50,5 triệu tấn, tăng 0,6% so với năm trước. Sản xuất lúa cả năm 2015 tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Sản lượng thủy sản năm 2015 tăng 3,4% so với năm trước. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển, sức mua và tổng cầu tiếp tục cải thiện. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2015 ước tăng 9,5% so với năm trước; nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, cao hơn mức tăng 8,1% của năm 2014.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 162,1 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2014, thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội (khoảng 10%) và thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là khoảng 10%.
‘Sự giảm sút tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu chủ yếu do: Giá dầu thô giảm mạnh làm cho kim ngạch xuất khẩu giảm 3,4 tỷ USD; giá xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, cao su, thuỷ sản giảm, làm giảm kim ngạch xuất khẩu 2,4 tỷ USD. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2014. Năm 2015, cả nước nhập siêu khoảng 3,5 tỷ USD, bằng 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu”, ông Vinh cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2015, ước tạo việc làm khoảng 1,625 triệu người, vượt 1,6% kế hoạch năm; trong đó, xuất khẩu lao động khoảng 115 nghìn lao động, vượt 27,8% kế hoạch, tăng 8,5% so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị khoảng 3,29%, đạt mục tiêu đề ra (dưới 4%).
Các chính sách bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện, nhất là đối với các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4,5%; riêng các huyện nghèo giảm còn 28%, hoàn thành mục tiêu đề ra. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều kết quả. Các giải pháp tổng thể để giảm quá tải bệnh viện, nhất là các bệnh viện đầu ngành tuyến trung ương được triển khai thực hiện. Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ tiếp tục được đổi mới. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51,6%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ là 21,9%. Công tác văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin, tuyên truyền; công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng và đạt nhiều kết quả.
Đề cập đến việc thực hiện các chỉ tiêu Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội thông qua, có 12/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Ngoài 1 chỉ tiêu là tỷ lệ che phủ rừng không đạt kế hoạch như đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, qua đánh giá lại có thêm chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu không đạt kế hoạch.
So với ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội, có 5 chỉ tiêu đạt cao hơn, gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,68% (số báo cáo Quốc hội là 6,5%), Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2,2% (số báo cáo Quốc hội là 3,6%), Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP là 32,6% (số báo cáo Quốc hội là 30,5%), Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) là 0,6% (số báo cáo Quốc hội là 1,5-2,5%), Tạo việc làm là 1,625 triệu người (số báo cáo Quốc hội là 1,6 triệu người).
“Có 2 chỉ tiêu đạt thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội gồm: Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu là 7,9% (số báo cáo Quốc hội là khoảng 10%); Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (theo QĐ 64/2003/QĐ-TTg) được xử lý đạt 90% (số báo cáo Quốc hội là 92,5%)”, ông Vinh cho biết.