Bộ trưởng Bộ Y tế: Hơn 7.000 cán bộ y tế bị kỷ luật, từ 2020 hết quá tải BV
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. |
Đơn giản hóa 3/4 quy trình khám bệnh
Trước khi đăng đàn, Bộ trưởng Bộ Y tế có 3 phút báo cáo trước Quốc hội. Theo Bộ trưởng, thời gian qua ngành Y tế đã đơn giản hóa 3/4 quy trình khám bệnh.
Cụ thể, ở khu vực nội trú, năm 2016, tỷ lệ bệnh viện có tình trạng nằm ghép từ 3 người trở lên trên 1 giường bệnh chỉ chiếm 4,4% (tuyến tỉnh), 7,3% (tuyến huyện) và 1,5% (bệnh viện tư nhân và y tế các Bộ/ngành).
Tỷ lệ nằm ghép năm 2012 ở tuyến tỉnh lên tới 47%. Tỷ lệ chuyển tuyến từ tuyến dưới lên tuyến trên cũng đã giảm, với 37,5% số bệnh viện trong Đề án bệnh viện vệ tinh đang giảm dần tỷ lệ chuyển tuyến lên tuyến trên đối với các trường hợp bệnh viện tuyến dưới đủ năng lực xử lý.
Mặc dù vậy, người đứng đầu ngành Y tế cũng thừa nhận, hiện tượng quá tải bệnh viện vẫn còn xảy ra ở một số chuyên khoa Ung bướu, Tim mạch, Nhi khoa, Chấn thương,… Trong một số cơ sở khám chữa bệnh tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối vẫn còn hiện tượng quá tải, như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Nhi Đồng của TPHCM.
Bộ trưởng cũng đề ra 9 nhóm giải pháp thực hiện các mục tiêu đề ra trong Đề án giảm quá tải bệnh viện như tăng số bệnh viện và số giường bệnh; quan tâm, đầu tư xây dựng, mở rộng bệnh viện; khuyến khích các hình thức xã hội hóa để đầu tư xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng bệnh viện..., Bộ trưởng Y tế cam kết phấn đấu thực hiện mục tiêu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện.
Giải pháp nào cho thái độ thiếu tôn trọng người bệnh?
Ngay sau đó, đã có 58 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng. Theo đó, các nhóm vấn đề được nhiều đại biểu đề cập đến gồm: Giải pháp ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế; Giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của y tế cơ sở; Giải pháp nâng cao chất lượng y đức, văn hóa ứng xử, phục vụ người bệnh của y bác sĩ; Giải pháp căn cơ để giảm giá thuốc, sự chênh lệch giá thuốc giữa các địa phương; Giải pháp hạn chế ảnh hưởng do giá viện phí tăng đối với bệnh nhân nghèo…
Phản ánh tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội, lạm dụng các kỹ thuật trong chẩn đoán, y tế xã phường lạc hậu, việc chuyển viện với những bệnh nan y rườm rà, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) đề nghị "tư lệnh ngành y tế" nêu giải pháp.
ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội) |
Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) phản ánh tình trạng quá tải cơ sở y tế dẫn đến y bác sĩ thiếu tôn trọng người bệnh, trong khi ở nước ngoài nhân viên y tế "cúi rạp người cảm ơn bệnh nhân khi xuất viện".
“Vậy ở nước ta, Bộ trưởng có biện pháp thường xuyên nào để cải thiện việc này?” Ông Chiến cũng quan tâm đến việc nhiều loại trang thiết bị, vật tư y tế nhập khẩu chưa dùng đã hỏng, giá cao mà cơ quan chức năng phát hiện vừa qua.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đề nghị Bộ trưởng Y tế làm rõ thông tin giá thuốc ở Việt Nam cao hơn mặt bằng chung trong khu vực, Bộ có giải pháp gì để giảm tác động của việc tăng giá thuốc đối với nhóm khó khăn.
Đã có hơn 7.000 cán bộ y tế bị kỷ luật
Trả lời theo nhóm vấn đề, với câu hỏi của đại biểu Trịnh Ngọc Phương liệu giá thuốc Việt Nam có cao hơn thế giới, Bộ trưởng Tiến khẳng định với các văn bản quản lý Chính phủ và Bộ ban hành thời gian qua thì thị trường thuốc Việt Nam giá ổn định, không tăng cao. Các tổ chức quốc tế cũng đưa ra đánh giá độc lập là thuốc biệt dược và một số loại thuốc khác ở Việt Nam thấp hơn 10% so với trung bình 6 nước ASEAN…
“Với các văn bản quản lý mà Chính phủ và Bộ đã ban hành thời gian qua thì đã giúp ổn định thị trường thuốc VN, không tăng cao; về chỉ số giá tiêu dùng của các mặt hàng thiết yếu thì giá thuốc chỉ đứng thứ 9-10, nghĩa là không tăng đột biến. Các tổ chức quốc tế cũng đưa ra đánh giá độc lập là thuốc biệt dược và một số loại thuốc khác ở VN thấp hơn 10% so với trung bình 6 nước ASEAN…”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Về ứng xử thiếu tôn trọng của y bác sĩ, Bộ trưởng Y tế thừa nhận có tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh". Vừa qua ngành đã có chương trình đổi mới toàn diện, áp dụng nhiều biện pháp như đường dây nóng, lắp đặt camera…, chế tài nghiêm khắc với các sai phạm. Theo đó, đã có hơn 7.000 cán bộ y tế bị kỷ luật thời gian qua.
Trước tình trạng lãng phí, gây phiền hà cho người dân khi phải đi xét nghiệm nhiều lần, Bộ trưởng cho biết đã ban hành thông tư công nhận các xét nghiệm lẫn nhau của bệnh viện cấp trung ương và cấp tỉnh.
Đến năm 2018 tất cả kết quả xét nghiệm ở các cấp sẽ được công nhận. Bộ trưởng Tiến cho biết thêm, việc người dân muốn tiếp cận dịch vụ y tế cao và đến thẳng tuyến Trung ương là nguyện vọng chính đáng. Hiện đã có quy định cho thông tuyến và đến năm 2021 sẽ “thông toàn quốc”.
Tuy nhiên, y tế cơ sở là nơi có thể chăm sóc sức khỏe ban đầu, với các bệnh nặng và mãn tính thì Bộ có chương trình để giải quyết. Cụ thể, nhiều bệnh nhân cũng muốn nhận thuốc để điều trị theo phác đồ ngay tại cấp huyện và cấp xã mà không cần lên tuyến Trung ương.