Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp “giải trình” trước QH về... thừa thịt lợn
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường |
Trước khi các đại biểu đặt câu hỏi, Bộ trưởng Bộ NN &PTNN Nguyễn Xuân Cường đã có bài phát biểu ngắn trong 3 phút. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nông nghiệp, nông dân và nông thôn là nhiệm vụ lớn trong quá trình phát triển kinh tế đất nước. Được sự quan tâm chỉ đạo của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, sau 30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, nền nông nghiệp sản xuất đã đáp ứng đủ nhu cầu lương thực cho 92 triệu dân và góp phần xuất khẩu quan trọng.
Tuy nhiên, thực chất nông nghiệp của chúng ta dựa trên quy mô hộ sản xuất với trên 10 triệu hộ. Năng suất lao động, hiệu quả kinh tế, thu nhập của người nông dân còn thấp, sản xuất kém bền vững. Nông dân đứng trước rủi ro về khí hậu và thị trường.
“Chúng ta đang đứng trước thách thức lớn là tác động của biến đổi khí hậu mà nước ta thuộc nhóm tổn thương hàng đầu. Cùng với đó, hội nhập kinh tế vừa là cơ hội, song thách thức không nhỏ. Chính vì thế, tái cơ cấu nông nghiệp, sản xuất lại cơ cấu hàng hóa theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập thành công, thúc đẩy kinh tế, đời sống nhân dân là chương trình hành động cụ thể của Chính phủ, thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế của đất nước theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận bên cạnh những mặt đạt được, rất nhiều vấn đề đang đặt ra cần tập trung tháo gỡ với phạm vi bao trùm, cả hệ thống chính trị quan tâm. Song trước hết là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, phối hợp với các bộ ngành, các thành phần kinh tế.
“Chúng tôi coi đây là cơ hội để ngành giải trình, những ý kiến đóng góp của các ĐB và cử tri phục vụ cho ngành nông nghiệp tốt hơn, nhằm đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Ngay sau bài phát biểu ngắn của Bộ trưởng đã có 68 đại biểu đăng ký chất vấn gửi tới ông. Theo đó, các đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Bình Phước); Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh); Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh); Trần Thị Hiền (Hà Nam); Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng);... chất vấn về: Giải quyết bất cập để DN, HTX tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ; Giải quyết cơ chế xin cho trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao; Giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa"; Căn cứ xây dựng quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi lợn; trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc ngành chăn nuôi "vỡ trận", giải pháp căn cơ để khắc phục vấn đề này; Vấn đề tiêu thụ nông sản qua các cửa khẩu (tạm nhập tái xuất); giải pháp đột phá thực sự để tái cơ cấu nông nghiệp…
Trả lời câu hỏi về tình trạng “vỡ trận” trong ngành chăn nuôi, Bộ trưởng nhìn nhận các khâu sản xuất, tổ chức, thị trường còn yếu, đây là vấn đề cần thời gian dài để đầu tư phát triển, cũng như chấn chỉnh những bất cập...
“Đến giờ phút này có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất trong những năm qua tăng trưởng quá nhanh – trong 10 năm tăng trên 3,6 lần từ 3,4 triệu tấn/năm lên 5,6 triệu tấn; sữa đã tăng 800 nghìn tấn, cá nuôi tăng từ 1,8 lên 3,4 triệu tấn/năm cùng với đó 10 tỷ quá trứng. Trong khi 10 năm trước, nước ta thấp nhất trong ASEAN”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu.
Một nguyên nhân khác khiến tình trạng này xảy ra theo Bộ trưởng là do tổ chức ngành hàng chưa tốt khi tới nay có tới 3 triệu hộ chăn nuôi. Đó cũng là tồn tại của chúng ta, vì với quy mô nhỏ thì sản xuất giá thành cao, khó kiểm soát. Việc chế biến cũng tách rời với sản xuất. Khâu liên kết giữa sản xuất và chế biến thịt lợn chỉ có hơn 20%, còn chế biến sâu (giống, chăn nuôi, giết mổ) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy 90% việc tiêu thụ vẫn theo kiểu truyền thống (sử dụng thịt lợn tươi trên phản thịt).
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, về ngoại thương chủ yếu vẫn là thị trường Trung Quốc, các thị trường khác chúng ta vẫn chưa mở cửa được. Trong khi đó, vào tháng 4 vừa qua khi bắt đầu mùa nóng, sức tiêu thụ của thị trường giảm đi nên đã dẫn tới tình trạng thừa thịt lợn. Sau khi đưa ra các hạn chế của ngành chăn nuôi, Bộ trưởng Nông nghiệp nhận trách nhiệm về vấn đề này.