Bỏ tiền cấp 21 triệu thẻ căn cước rồi "cất trong tủ"?
Nhiều ĐBQH không đồng tình với việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em từ khi sinh ra. |
Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng, tên gọi chứng minh nhân dân quá quen thuộc, được sử dụng ổn định trong cả nước từ sau năm 1975. Do vậy nên kế thừa tên gọi này trong Luật căn cước công dân để tránh những rắc rối, xáo trộn không cần thiết.
Về cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi, ĐB đề nghị làm rõ mục đích quản lý nhà nước, đóng góp như thế nào cho công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an ninh, xã hội hay trong hoạch định chính sách. Bỏ ra một khoản tiền rất lớn, đồng thời làm xáo trộn hồ sơ giấy tờ về căn cước công dân thì phải thu lại được kết quả.
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) nêu: "Liệu thẻ căn cước công dân có thể thay thế giấy khai sinh được không? Tính khả thi của vấn đề này đến đâu?
“Tôi nhận thấy người dưới 15 tuổi không tự giao dịch được mà cần nhờ đến vai trò của người giám hộ. Người ở độ tuổi dưới 15 chủ yếu là đi học, một số do điều kiện nào đó mà ở nhà giúp việc nhà, một số ít tham gia lao động theo Luật lao động cho phép.
Loại giấy tờ cần thiết nhất ở độ tuổi này là giấy khai sinh, hiện nay thẻ căn cước công dân chưa quy định được, vậy cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi để làm gì, nhất là đối với trẻ sơ sinh và các cháu ở bậc mẫu giáo, bậc tiểu học”.
ĐB Niễn phân tích và đề nghị cân nhắc khi bỏ ra một số tiền không hề nhỏ làm khoảng trên 21 triệu thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi, chiếm 24% dân số để cất giữ, không quan hệ giao dịch gì phổ biến.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Đặng Thị Kim Liên (Yên Bái) cho rằng, trẻ dưới 14 tuổi đặc điểm nhận dạng chưa ổn định, chưa phải chịu trách nhiệm về hình sự. Trong khi đó tại Điều 3 dự thảo luật quy định thẻ căn cước công dân là một thẻ định dạng thêm cho công dân. Mà định dạng riêng phân biệt người này với người khác, cần căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố quan trọng quy định dạng bên ngoài. Đó là hình ảnh và vân tay. Như vậy chưa tạo sự thống nhất trong dự thảo luật.
Ngoài ra việc cấp thẻ căn cước như vậy cũng tạo sự phiền hà cho công dân. Trẻ sinh ra đã được đăng ký khai sinh, đây là quyền của trẻ em được quy định trong Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ từ khi sinh ra là thêm thủ tục cho công dân. Bên cạnh đó, chủ trương này cũng tạo sự tốn kém không cần thiết.
“Với ba lý do nêu trên cho thấy thẻ căn cước công dân được cấp cho trẻ dưới 14 tuổi không đảm bảo được phân biệt với người khác. Theo tôi nên quy định theo hướng trẻ sinh ra, bên cạnh đăng ký khai sinh vẫn đăng ký thông tin vào cơ sở dữ liệu. Đến khi đủ 14 tuổi sẽ cấp thẻ đầy đủ với định dạng cá nhân như quy định của dự thảo luật” – ĐB Liên đề nghị.
Không đồng tình với việc thay đổi tên gọi chứng minh nhân dân thành căn cước nhân dân, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, hệ lụy kéo theo rất phức tạp. Ông dẫn dụ, nếu thay đổi thì tất cả các bộ, ban, ngành phải thay đổi toàn bộ hồ sơ, lý lịch và những giấy tờ chúng ta đã in sẵn để thay từ chứng minh nhân dân thành căn cước nhân dân, rất tốn kém.
ĐB Phương cũng không đồng tình với việc cấp căn cước cho công dân dưới 15 tuổi như nhiều ĐB đã nêu. Lý do trong bản thân luật đã có sự mâu thuẫn. Bên cạnh đó một công dân vừa sinh ra đã phải đến để khai thì phức tạp hơn nhiều so với việc chỉ cần bố, hoặc mẹ đi khai sinh như hiện nay.
“Việc làm thẻ căn cước cho trẻ dưới 15 sẽ tăng thêm biên chế, tăng thêm kỹ thuật về công nghệ, về phương tiện phục vụ trong khi đó công an hiện nay có rất nhiều việc phải làm. Nó cũng không phù hợp với yêu cầu tinh giảm biên chế hiện nay. Đặc biệt giá của thẻ căn cước này sẽ đắt hơn giấy khai sinh rất nhiều, trong lúc mình cũng chưa nhất thiết sử dụng thẻ căn cước này thành giấy tờ tùy thân cho đối tượng các em dưới 15 tuổi, không cần giấy tờ tùy thân vì trẻ em phải đi theo bố mẹ, lệ thuộc bố mẹ” - ĐB Phương cho biết.