'Bỏ phiếu tín nhiệm thì phải chuẩn bị nhân sự thay thế'
|
Đại biểu Lê Minh Thông (đoàn Thanh Hóa). Ảnh. Xuân Hải. |
Việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện đối với những nhân sự cấp cao do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, tuy nhiên là làm thế nào để hài hòa giữa Quốc hội và công tác cán bộ của Đảng, thưa ông?
Việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) là cơ sở quan trọng để giúp các cơ quan Đảng có thẩm quyền làm tốt hơn nữa công tác cán bộ. Đặc biệt là Nghị quyết TƯ 4 của Ban chấp hành TƯ cũng chỉ rõ về việc này rồi. Từ việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thì các cơ quan tổ chức lấy làm căn cứ để làm tốt công tác cán bộ theo điều lệ và quy chế cán bộ của Đảng, quy chế về bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển.
Có thể nói kết quả lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội và HĐND là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền của Đảng xem xét để bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức cán bộ một cách có căn cứ hơn và đương nhiên trong quá trình ấy phải có sự phối hợp chặt chẽ, các cơ quan Đảng phải tăng cường sự lãnh đạo của mình đối với Quốc hội, HĐND trong quá trình lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm. Mặt khác các cơ quan của Quốc hội phải thường xuyên trao đổi, báo cáo với các cơ quan Đảng để tạo sự thống nhất giữa Quốc hội và các cơ quan Đảng để công tác tổ chức cán bộ ngày càng tốt hơn.
Chúng ta cần tìm đúng người, bổ nhiệm đúng người và sắp xếp đúng việc. Vậy có thể hiểu là với một nhân sự nào đấy được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm thì các cơ quan Đảng, các cơ quan có thẩm quyền phải chuẩn bị những nhân sự thay thế. Hiện nay chúng ta có công tác quy hoạch cán bộ và nếu làm như thế công tác này sẽ được nâng lên một bước để những người bị bỏ phiếu tín nhiệm thì chúng ta đã có những nhân sự đủ điều kiện để thay thế.
Qua thảo luận rất nhiều ý kiến cho rằng bản chất của quá trình bỏ phiếu tín nhiệm thực ra là bỏ phiếu bất tín nhiệm, sao chúng ta không dùng cụm từ này?
Thực ra vấn đề không nằm ở câu chữ, chúng ta không nên câu nệ câu chữ là tín nhiệm và bất tín nhiệm và phải xem xét ở thực chất vấn đề người không đủ tín nhiệm tức là bất tín nhiệm. Vấn đề là chúng ta có thay thế được những người không đủ uy tín hay không, cái đó mới là cơ bản
Trong đề án cơ quan thẩm tra có đưa ra một ý kiến đối với những trường hợp lấy phiếu mà không đạt tín nhiệm thì có thể bãi miễn ngay không cần bỏ phiếu, quan điểm của ông như thế nào?
Có một tình huống đối với những người sau lần lấy phiếu tín nhiệm mà số đại biểu tín nhiệm rất thấp thì các cơ quan của Quốc hội và HĐND có thể đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm luôn mà không đợi đến lần thứ hai bởi vì theo Nghị quyết TƯ 4, qua hai lần lấy phiếu tín nhiệm mà không quá bán thì sẽ là cơ sở để đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm nhưng ở đây dự thảo Nghị quyết đã đi một bước mạnh mẽ hơn là không thể đợi đến hai lần mà ngay trong lần thứ nhất mà uy tín quá thấp thì có thể đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm luôn để kịp thời thay thế cán bộ chứ không đợi qua 2 năm nữa thì sẽ lâu quá và đội ngũ cán bộ sẽ trì trệ.
Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm có các mức độ tín nhiệm: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp” và “chưa có ý kiến”. Đối với những trường hợp có số phiếu phần lớn là “chưa có ý kiến” thì xử lý thế nào?
Việc chưa có ý kiến gì thì chỉ là một phương án đề phòng chứ tôi vẫn tin các đại biểu Quốc hội và HĐND với trách nhiệm của mình họ sẽ thể hiện chính kiến rất rõ ràng và khả năng không có ý kiến gì chỉ là hãn hữu. Vì đây không chỉ là quyền đánh giá của đại biểu Quốc hội, HĐND với các chức danh do mình bầu ra mà còn là nghĩa vụ chính trị nên các đại biểu phải có nghĩa vụ đánh giá và nêu chính kiến của mình. Như vậy khả năng không có ý kiến tôi tin là rất ít và nhiều khả năng không có. Nhưng trong dự thảo cũng đã dự phòng và có một điều về trách nhiệm của ĐBQH phải thể hiện chính kiến của mình đánh giá đầy đủ chính xác, khách quan, trung thực. Và đã là trách nhiệm rồi tôi tin với tầm hiểu biết và bản lĩnh chính trị của ĐBQH và HĐND họ sẽ thể hiện chính kiến của mình một cách thực sự.
Tại sao trong dự thảo Nghị quyết không đưa ra trường hợp bỏ phiếu bất thường?
Đề án này không loại bỏ chuyện đó bởi trong mục về bỏ phiếu tín nhiệm có 4 trường hợp để bỏ phiếu. Một là Ủy ban TVQH tự mình, theo luật, bất kỳ lúc nào mà thấy một vị lãnh đạo nào, vị trí nào không còn tín nhiệm thì có thể đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Thứ hai là Hội đồng dân tộc và các ủy ban có quyền đề xuất đưa ra bất cứ một vị nào mà mình bầu ra mà cảm thấy không đủ tín nhiệm để đưa ra QH bỏ phiếu tín nhiệm. 20% đại biểu QH vẫn có quyền đề xuất và thứ tư mới là câu chuyện lấy phiếu tín nhiệm. Như vậy việc này là cơ sở quan trọng để QH làm việc đó.
Còn việc đưa ra lấy ý kiến từ chính người dân?
Ý kiến của người dân là câu chuyện thường xuyên, nhân dân chúng ta giám sát cán bộ là việc làm thường xuyên thông qua các kênh khác nhau, nhân dân phản ánh, nhân dân kiến nghị và cái đó cũng luôn được tôn trọng. Quan điểm dân là chủ, cán bộ là đầy tớ của nhân dân thì nhân dân giám sát cán bộ là đương nhiên cho nên những ý kiến của nhân dân, đề xuất của nhân dân phải được tôn trọng và được tiếp thu.
Xin cảm ơn ông!
Xuân Hải (ghi)