Bộ Nông nghiệp lên tiếng về hồ thủy lợi Ia Mơr đầu tư "khủng", "khát" chỗ tưới
Theo đó, hồ thủy lợi Ia Mơr được thiết kế với diện tích mặt nước khoảng 3.600 ha, công trình này sẽ cung cấp tưới cho khoảng 8.000 ha cây trồng tại địa phận huyện Chư Prông (Gia Lai) và 4.000 ha thuộc địa phận huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk). Thế nhưng, nghịch lý là hiện Ia Mơr lại chưa phát huy được tác dụng vì chưa có đồng tưới.
Đường vào hồ thủy lợi Ia Mơr |
Tuy nhiên, chia sẻ với PV Infonet, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp lại cho rằng, nếu nói hồ thủy lợi Ia Mơr chưa phát huy được tác dụng là chưa chính xác.
“Dự án hồ thủy lợi Ia Mơr được phê duyệt cách đây 15 năm với mục tiêu quan trọng là an ninh quốc phòng, an ninh biên giới. Thứ hai, hồ thủy lợi là kho nước để phục vụ tưới tiêu cho khoảng 12.000 ha đất của Gia Lai và Đắk Lắk. Có 3 hợp phần tưới là khoảng 7.500 ha tại Gia Lai, hợp phần thứ 2 là đập Plei Pai tưới cho hơn 1.000 ha và hợp phần thứ 3 là chuyển nước tưới cho 4.000 ha ở Đắk Lắk. Trong 3 hợp phần để tưới này, có 2 hợp phần đã xong, đã tưới và cho hiệu quả tốt. Như vậy nếu xét về nhiệm vụ tưới, nói không có khu tưới là không đúng”, Thứ trưởng cho hay.
Hệ thống kênh chính tại thủy lợi Ia Mơr đang được xây dựng |
Hiện nay, hợp phần công trình hồ chứa nước đã hoàn thành. Hệ thống kênh chính Đông và Tây đang tiếp tục thi công. Dự án thủy lợi Ia Mơr đã và đang thực hiện theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình đề ra và sẽ hoàn thành vào năm 2021.
Về 12.000 ha đất được quy hoạch làm vùng tưới, Thứ trưởng Hiệp cho biết, toàn bộ vùng Ia Mơ (Đắk Lắk) đã chuyển đổi thành diện tích sản xuất. Riêng tại Gia Lai chưa chuyển đổi đất rừng thành đất sản xuất do vướng luật Lâm nghiệp.
“Khi chưa có luật Lâm nghiệp thì việc chuyển đổi đơn giản nhưng nay chuyển 8.000 ha rừng nghèo kiệt phải thông qua Quốc hội, Chính phủ. Muốn chuyển đổi phải có quy hoạch sử dụng đất, điều tra hiện trạng… Việc chuyển đổi này do UBND tỉnh chịu trách nhiệm chứ không phải Bộ NN&PTNT”, Thứ trưởng Hiệp nói.
Nói về phương án tháo gỡ các vướng mắc trong việc chuyển đổi đất rừng thành đất sản xuất, Thứ trưởng cho biết, mặc dù trách nhiệm thuộc về tỉnh Gia Lai nhưng Bộ NN&PTNT đã phối hợp, hỗ trợ cho Gia Lai điều tra hiện trạng toàn bộ 8.000 ha này và trên tinh thần là cả tỉnh và bộ cùng làm.
“Chúng tôi đã dùng máy bay không người lái, chụp ảnh lại toàn bộ hiện trạng, dùng phương tiện hiện đại, tính toán lại toàn bộ hiện trạng. Sau khi có hiện trạng thì tỉnh phải có kế hoạch sử dụng đất mới thực hiện được việc chuyển đổi”, ông Hiệp cho hay.
Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng nhấn mạnh, quan điểm của Bộ NN&PTNT là nếu tỉnh muốn chuyển đổi thì phải có mục tiêu cụ thể, chuyển đổi 8.000 ha để làm gì, ví dụ các diện tích đang trồng sắn, cao su giờ định chuyển sang cây trồng gì?
Bởi theo Thứ trưởng thì ông đã đi khảo sát hiện trạng 8.000 ha đất rừng tại đây và thực tế cho thấy, diện tích rừng trồng cao su quá nhiều, người dân đã tự chuyển đổi một phần rừng khộp nghèo kiệt sang trồng cao su. Đáng nói là cao su trồng tại khu vực này không hiệu quả do địa chất không phù hợp. Đo đó nếu đất đã trồng cao su cũng phải chuyển đổi.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, có rất nhiều loại cây trồng đem lại năng suất, thu nhập cao hơn so với trồng lúa, cao su, khoai mì… ở khu vực này. Đặc biệt, có rất nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm và muốn đầu tư tại đây, chẳng hạn như trồng cỏ nuôi bò, nông nghiệp công nghệ cao… Việc chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất nông nghiệp sẽ không quá khó khăn và mất nhiều thời gian nếu như tỉnh có quy hoạch sử dụng đất hiệu quả.
“Khi có quy hoạch xong phải báo cáo cho Bộ NN&PTNT để chuyển đổi. Chuyển đổi đúng luật, thận trọng, hiệu quả chứ không phải chuyển đổi cho xong việc, quan điểm của Bộ là như thế. Đây là việc mà tỉnh phải làm với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ, Quốc hội”, Thứ trưởng Hiệp nhấn mạnh.
Ông cũng chia sẻ thêm, Ia Mơ là vùng rất khó khăn, đây chính là cơ hội để tái cơ cấu vùng này, doanh nghiệp lớn vào cùng bà con tạo ra giá trị kinh tế cao chứ không phải là chuyển đổi chỉ để trồng lúa. Nói ở góc độ nào đó thì nó hơi phí vì giá trị sử dụng không cao.
Việc chuyển đổi đất rừng như thế nào sẽ phụ thuộc vào hiện trạng, quy hoạch sử dụng đất. Vì thế diện tích chuyển đổi có thể là 8.000 ha hoặc cũng có thể là 5000-7000 ha.