Bình Dương: 20.000 công nhân vẫn được trả lương dù mất việc?
Trong buổi gặp này ông Liễu cho biết, tới thời điểm này tại Bình Dương đã có 80% doanh nghiệp hoạt động trở lại. Và hiện Ban quản lý của các KCN và doanh nghiệp đang tiến hành thống kê thiệt hại, và chậm nhất vào sáng thứ 6 (23/5) số liệu chính xác sẽ được gửi về.
Cũng theo ông Liễu, Ban quản lý sẽ cố gắng làm việc để doanh nghiệp sẽ trả lương cho công nhân cả những ngày phải nghỉ việc. “Nếu chủ doanh nghiệp đi vắng thì sau khi họ quay trở lại chúng tôi sẽ đàm phán với họ để đảm bảo quyền lợi, vì đây là sự việc ngoài ý muốn” – ông Liễu nói.
Một công nhân đứng trước khu nhà xưởng bị cháy sau bạo động |
Liên quan đến việc giải quyết việc làm cho công nhân, đại diện Sở Lao động – Thương binh – Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, nơi này đã chỉ đạo các ban ngành tại các huyện, thị tổng hợp số lao động phải nghỉ việc, ngừng việc (ước tính khoảng 20.000 người). Và nếu huyện, thị không giải quyết được việc làm cho số lao động này thì Sở sẽ chỉ đạo Trung tâm giới thiệu việc làm giải quyết.
Ông này cũng cho rằng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong năm 2014 lớn hơn số lao động bị mất việc, ngừng việc. Và khẳng định từ giờ đến cuối năm sẽ giải quyết việc làm cho số lao động này.
Riêng về vấn đề giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân, theo vị đại diện này thì Sở sẽ linh động về quy chế. Cụ thể do nhiều công ty bị mất, xóa dữ liệu, ngừng hoạt động nên không thể có “quyết định thôi việc” như yêu cầu. Do đó “quyết định thôi việc” sẽ được thay thế bằng danh sách của doanh nghiệp và đơn của người lao động, và đây là cơ sở để giải quyết.
Trong khi đó ông Trần Văn Nam – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhận định, trong thời gian qua lực lượng công an tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng đã kiên quyết thực hiện nhiều biện pháp nên trật tự đã được lập lại. Tuy nhiên vẫn còn những đối tượng đang tiếp tục dụ dỗ, lôi kéo người dân tham gia biểu tình.
“Một số công ty chưa hoạt động khiến nhiều công nhân trở thành thất nghiệp, chính vì thế những người này có khả năng tiếp tục bị lôi kéo, do đó nguy cơ vẫn còn” – ông Nam nói và khẳng định sẽ “kiên quyết không để hình thành các đám đông và tái diễn biểu tình”.
Khung cảnh buổi thông tin tới báo chí |
Vị Phó chủ tịch tỉnh cũng tâm sự. Thiệt hại vật chất có thể sớm khắc phục, nhưng để khôi phục lại lòng tin của doanh nghiệp, người dân thì cần thời gian rất lớn. Do đó “Bình Dương còn phải làm nhiều hơn nữa để khôi phục lại lòng tin”.
Cũng trong buổi thông tin này, ông Nam đã thay mặt UBND tỉnh Bình Dương đưa ra 7 giải pháp để khắc phục sự việc vừa qua. Theo đó Ban thường vụ tỉnh ủy đã họp và quyết tâm lập lại trật tự, tập trung bảo vệ tình mạng của các chuyên gia, tài sản của doanh nghiệp, khẩn trương phân loại, xử lý các đối tượng gây rối.
Bên cạnh đó nhiều biện pháp để duy trì trật tự, hỗ trợ công nhân, giúp các doanh nghiệp phục hồi và nhanh chóng đi vào sản xuất cũng được đưa ra. “Tỉnh cam kết sẽ ổn định tình hình, đảm bảo sản xuất kinh doanh bình thường cho các doanh nghiệp, chuyên gia, công nhân trong thời gian tới” – ông Nam nói.
Đại tá Nguyễn Hoàng Thao – PGĐ CA tỉnh Bình Dương cho biết, tính đên thời điểm hiện tại cơ quan này đã tạm giữ 1036 đối tượng có hành vi quá khích, gây rối, trộm cắp tài sản. Trong đó có 753 đối tượng bị tạm giữ hình sự, và hướng tới sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Ông Thao cũng cho biết đoàn tăng cường của Bộ Công an và 11 tỉnh thành sẽ phân công lực lượng đi khám nghiệm tại những nơi bị đập phá để những công ty này có thể nhanh chóng trở lại sản xuất.