Bình Định đã gỡ slogan xâm hại di tích trên tháp Chăm
Những dòng chữ được gắn lên tháp Chăm cổ khiến dư luận phản ứng, còn khách du lịch nước ngoài thì vô cùng ngạc nhiên trước việc "bảo tồn" di tích của Bình Định. |
Cụ thể, theo ông Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Bình Định, đơn vị này đã tháo dỡ hệ thống sắt thép khoan đục vào Tháp Đôi (ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) và Tháp Bánh Ít (ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) để gắn bảng quảng bá điểm đến của ngành du lịch Bình Định.
Được biết, việc gắn slogan này được thực hiện từ ngày 4/5 và đã dỡ bỏ chỉ 2 ngày sau đó, do dư luận bức xúc với việc phá hoại di tích của chính cơ quan chủ quản.
"Việc gắn biển do Ban quản lý khu di tích thực hiện, nhằm giúp du khách dễ dàng chụp ảnh tháp và "check in" điểm đến. Tuy nhiên, đây là việc làm không phù hợp và chúng tôi sẽ có cuộc họp để kiểm điểm về vấn đề này, ông Chánh cho biết thêm.
Tháp Bánh Ít được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1982; gần đây được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xếp hạng Top Việt Nam về quần thể tháp Chăm.
Tháp Đôi cũng là điểm đến không thể bỏ qua khi đến Quy Nhơn. Tháp lớn cao 20m, tháp nhỏ thấp hơn một chút. Năm 1980, Tháp Đôi này được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Tháp Bánh Ít và Tháp Đôi được người Chăm xây dựng trên đất Bình Định trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 10 - 12. Ngày nay, hai tháp này là những điểm tham quan thu hút rất nhiều du khách.
Theo những người phát hiện và đăng ảnh việc Bình Định khoan vào thân tháp, treo khung sắt là làm hư hại di tích, nhiều người cho rằng đây là cách phá hoại di tích, nhất là khi gió bão về sẽ rất nguy hiểm. Không chỉ Bình Định, việc xâm hại di tích như thể phải chấm dứt tại nhiều địa phương hiện nay.
Có ý kiến còn cho rằng, việc hầu hết các di tích ở ta lúc nào cũng treo cờ, băng dôn khẩu hiệu đôi khi... quá lố. Ví dụ, Ngọ Môn Huế thì hay có những băng rôn chào mừng một sự kiện nào đó chạy ngang hết mặt tiền; Đền Trấn Vũ (Hà Nội) quanh năm suốt tháng treo cờ cỡ đại ở Tam quan.
Do đó, nhiều độc giả cho rằng các nhà quản lý cần thay đổi cung cách làm du lịch. Cố gắng để không gian di tích càng nguyên vẹn càng tốt. Tức là nên đặt mình vào du khách, biết họ muốn điều gì để ta chuẩn bị cho họ thấy thỏa mãn, chứ không phải buộc họ phải “ăn kèm” những món ăn "hổ lốn" ta muốn họ phải dùng.