Biểu dương 700 người có công tiêu biểu toàn quốc
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tới nay, việc xác nhận các đối tượng người có công (NCC) với cách mạng cơ bản đã hoàn thành, với hơn 9 triệu người (trong đó, có 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và 312.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận).
Nhiều chế độ ưu đãi được bổ sung so với trước như chế độ trợ cấp người phục vụ đối với Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống tại gia đình; chế độ trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống tại gia đình; chế độ thờ cúng liệt sĩ…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các đại biểu người có công. (Ảnh: VGP) |
Phong trào đền ơn đáp nghĩa được phát triển rộng khắp trong cả nước, chỉ tính riêng từ năm 2007-2017, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được hơn 46 tỷ đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 5.524 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt 133.321 sổ, với tổng kinh phí hơn 4.620 tỷ đồng.
Xây dựng mới 104.763 nhà tình nghĩa trị giá 3.532 tỷ đồng, sửa chữa 74.906 nhà tình nghĩa trị giá hơn 1.115 tỷ đồng. Nhằm hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, đã bố trí 11.568 tỷ đồng hỗ trợ hơn 410.000 hộ gia đình chính sách người có công sửa chữa, xây dựng nhà mới.
Với những chính sách ưu đãi của Nhà nước cùng sự chung tay chăm lo của toàn xã hội, các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều đã được các đơn vị nhận phụng dưỡng; 96,5% xã, phường được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, 97% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho chính sách người có công và chọn ngày 27/7 là Ngày Thương binh toàn quốc, nay là Ngày Thương binh, liệt sĩ.
Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả chúng ta phải làm tốt hơn nữa công tác người có công. Công tác này trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước ta. Trong những năm qua, chúng ta đã ban hành và quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi người có công. Hệ thống chính sách ngày càng được hoàn thiện, mở rộng đối tượng; dù ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp nhưng mức hỗ trợ ngày càng tăng.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương nghị lực, ý chí vươn lên của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng mà 700 đại biểu có mặt hôm nay là những đại diện tiêu biểu. Đây thực sự là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam, là những tấm gương sáng, lay động lòng người, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên cho mỗi chúng ta.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, với sự nỗ lực chăm lo của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, cùng với sự cố gắng vươn lên của chính mình, đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng được cải thiện. Đến nay, 97% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.
Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn. Phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, xác định việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chăm lo cho người có công và gia đình người có công, trong đó tập trung vào sáu nội dung chủ yếu như: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công theo hướng mở rộng đối tượng, tăng mức hỗ trợ, bảo đảm công khai, minh bạch và phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta; phấn đấu đến năm 2020 giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác định NCC còn tồn đọng....
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh, liệt sĩ, để tri ân những đóng góp của các gia đình thân nhân liệt sĩ, những NCC, Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng 70 bằng khen cho 70 đại biểu NCC tiêu biểu nhất; Bộ LĐTB&XH cũng trao tặng 630 bằng khen cho đại biểu NCC.