Biển Việt Nam và xu thế phát triển “xanh blue”
Biển Việt Nam và xu thế phát triển “xanh blue”
từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá đến Cần Giờ, Hà Tiên và các hải đảo, thì tổng số chiều dài của bờ biển Việt Nam phải gấp đôi, gấp ba con số ấy...
Năm 2004, Mỹ thu từ xuất khẩu cá cảnh ở các vùng rạn san hô và nghề cá giải trí được gần 23 tỉ USD/năm, trong khi Việt Nam kể cả đánh bắt, nuôi trồng nước mặn, nước ngọt, nước lợ, tôm sú, cá tra... tính đến năm 2010 mới xuất khẩu được 4,5 tỉ USD.
Một góc biển thuộc khu bảo tồn Cát Bà. Ảnh: TLCK |
Muộn còn hơn không
Chờ đợi suốt từ năm 1998, đến tháng 5.2010, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, phó tổng cục trưởng tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam (bộ Tài nguyên và môi trường) mới được “thoả mãn tâm nguyện”, khi quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt.
Là người chủ trì dự án quy hoạch này, trực tiếp rong ruổi cùng đồng nghiệp và các chuyên gia của quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đi khảo sát 15 khu đề xuất quy hoạch thành khu bảo tồn biển quốc gia, từ ngày còn là phân viện trưởng phân viện Hải dương học tại Hải Phòng (nay là viện Tài nguyên và môi trường biển), ông Chu Hồi nuối tiếc vì việc quy hoạch trễ mất hơn mười năm khiến các khu bảo tồn biển của Việt Nam lỡ mất cơ hội được các nhà tài trợ quốc tế quan tâm (giờ đây họ đã chuyển trọng tâm sang biến đổi khí hậu), bên cạnh đó, trong quá trình chờ quy hoạch, tiềm năng bảo tồn của các khu bảo tồn biển cũng giảm mạnh, chẳng hạn như độ phủ san hô từ 70% xuống còn 30%, do bị khai thác quá mức.
Tuy nhiên, phó giáo sư “vẫn rất mừng” vì khi Chính phủ phê duyệt quy hoạch, tức là đã khoanh được không gian các khu bảo tồn biển. Từ đó có thể quản lý và bảo vệ khỏi sự xâm hại từ bên ngoài. Và theo thời gian, các khu bảo tồn biển sẽ dần phục hồi và cần có sự can thiệp tích cực của con người để thúc đẩy quá trình phục hồi.
Theo ông Chu Hồi, 70% giá trị của các khu bảo tồn biển là các rạn san hô, gọi là hệ sinh thái tiên phong, cùng các hệ sinh thái khác, được coi là môi trường sống và là những “ngôi nhà” cho các loài sinh vật đến cư trú: “Do đó, chúng ta có thể phục hồi các rạn san hô bằng cách làm rạn nhân tạo bằng nhiều phương pháp, kể cả giá thể bằng ximăng. Hoặc đánh đắm tàu, thuyền đánh cá cũ, làm thử từng bước rồi tiến tới làm đại trà, từ đó phát triển kinh tế sinh thái”.
Ý tưởng đánh đắm tàu, thuyền cũ đã từng được ông Chu Hồi nêu ra từ thời năm 2005, và ngày đó đã có người ủng hộ, đặc biệt chuyên gia một số nước. Tuy nhiên cho đến nay “ở Việt Nam chưa ai dám làm”. Thực tế, việc đánh đắm tàu cũ đã được các nước làm từ khá sớm, và đầu năm 2010 Úc đã đánh đắm tàu chiến Mỹ sản xuất từ năm 1936 để tạo rạn san hô nhân tạo. Ở Pháp, họ thiết kế khu bảo tồn ở vùng biển ven bờ Địa Trung Hải, nơi có con tàu khách đắm từ thế kỷ 18 phục vụ cho du khách lặn xuống xem, mỗi lần mất 10 USD. “Nếu Việt Nam làm được, tàu của ngư dân cũ hỏng được mua lại rồi đánh đắm tạo rạn san hô, giúp phục hồi nguồn lợi thuỷ sản thì cũng giúp ngư dân có nghề mới, tham gia dịch vụ du lịch sinh thái biển, lặn biển”, ông Chu Hồi nói.
Chẳng hạn như ở khu bảo tồn biển Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), thay vì đánh bắt cá bằng mìn, hoá chất độc hại thì chúng ta có thể hướng dẫn ngư dân phát triển dịch vụ câu cá giải trí, phát triển nghề thân thiện với môi trường biển. Năm 2004, Mỹ thu từ xuất khẩu cá cảnh ở các vùng rạn san hô và nghề cá giải trí được gần 23 tỉ USD/năm, trong khi Việt Nam kể cả đánh bắt, nuôi trồng nước mặn, nước ngọt, nước lợ, tôm sú, cá tra… tính đến năm 2010 mới xuất khẩu được 4,5 tỉ USD. Có thể nói việc phát triển du lịch sinh thái biển, nuôi cá cảnh rạn san hô và phát triển nghề cá giải trí, nuôi thuỷ sản thích nghi trong các khu bảo tồn biển… là một dạng phát triển kinh tế “xanh blue”, chứ không phải đơn thuần là phát triển kinh tế “xanh green”.
Hiệu ứng tràn
Đáng chú ý, theo phó giáo sư, khi bảo tồn hiệu quả thì thông thường sau ba đến năm năm, nguồn lợi trong các khu bảo tồn biển sẽ hồi phục và sau đó phát tán ra vùng biển xung quanh (gọi là hiệu ứng tràn). Như vậy, các khu bảo tồn biển này sẽ giúp phát tán nguồn giống hải sản, các ấu trùng, trứng, cá con, đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho các loài hải sản trong và xung quanh khu bảo tồn biển. Điều đó giải thích tại sao nếu chúng ta bảo vệ được các hệ sinh thái rạn san hô thì sẽ có 3.000 loài sinh vật ưa “ngôi nhà san hô” đến cư ngụ. Nếu quản lý tốt, các khu bảo tồn biển sẽ giúp hình thành và phát triển nghề cá một cách bền vững.
Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang nổi danh là điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam, nhưng theo ông Trương Kỉnh, giám đốc ban quản lý khu bảo tồn thì đến nay nơi này vẫn chưa triển khai được hoạt động du lịch sinh thái. Hồi năm 2008, ban quản lý đã đề xuất phương án tổ chức du lịch sinh thái cộng đồng ở Bích Đầm, một tổ dân phố trên đảo Hòn Tre nằm trong vịnh Nha Trang nhưng chưa được sự đồng thuận của một số cơ quan quản lý nên chưa thể triển khai. Và ban quản lý sẽ tiếp tục theo đuổi vấn đề này.
Theo ông Chu Hồi, vấn đề chính để phát triển các khu bảo tồn biển là cần có cơ chế phù hợp. Ông cho rằng, trong thời kỳ hội nhập, có thể có chính sách riêng với các khu bảo tồn biển giống như các khu kinh tế mở, để cho người nước ngoài vào đầu tư, lôi cuốn người dân địa phương vào chuyển đổi nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm mới cho họ. Từ đó, họ có thể đóng góp tích cực vào việc bảo tồn những tài nguyên quý giá.
Theo quyết định 742/QĐ-TTg ngày 26.5.2010, đến năm 2020 Việt Nam có 16 khu bảo tồn biển: đảo Trần (Quảng Ninh), Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cát Bà (Hải Phòng), Hòn Mê (Thanh Hoá), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Hải Vân – Sơn Trà (Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng), Cù lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Nam Yết (Khánh Hoà), vịnh Nha Trang (Khánh Hoà), Núi Chúa (Ninh Thuận), Phú Quý (Bình Thuận), Hòn Câu (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) và Phú Quốc (Kiên Giang).Tổng diện tích của 16 khu là 270.271ha, diện tích biển là 169.617ha. Tổng vốn đầu tư cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu, quy hoạch chi tiết, xây dựng chính sách, hợp tác quốc tế và mở rộng quy hoạch từ nay đến năm 2020 là 420 tỉ đồng.
Theo SGTT