Biển đông: Sóng bắt đầu từ đâu?
Biển đông: Sóng bắt đầu từ đâu?
Bội tín
Trung Quốc cho rằng có hơn 200 triệu thùng dầu nằm ở thềm lục địa của biển Đông, là nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ nhì sau khu vực Trung đông. Nơi đây cũng là địa điểm quận sự trên biển chiến lược của Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc đưa ra bản đồ tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ biển đông với đường 9 đoạn nhằm thâu tóm toàn bộ nguồn lợi về kinh tế và vị thế quân sự chiến lược ở đây. Điều này đồng nghĩa với việc thâu tóm luôn cả các đảo nằm trong vùng biển này, cụ thể là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy nhiên, Hoàng Sa và Trường Sa cuả Việt Nam là điều “không thể chối cãi”. Các tài liệu lịch sử ghi lại năm 1686, hằng năm chúa Nguyễn đưa 18 chiến thuyền đến khai thác ở Bãi Cát Vàng (tên của Hoàng Sa trong tiếng Hán nôm). Trên thế giới, từ thế kỷ 17 đã xác nhận Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhật ký trên tàu Amphitrite năm 1701 đã ghi lại Paracels (Hoàng Sa) là một quần đảo thuộc về nước An Nam. Trong khi đó, trên tất cả các tài liệu của Trung Quốc, cái tên Tây Sa và đảo Nam Sa (tên mà Trung Quốc dùng để gọi Hoàng Sa và Trường Sa của VN) chỉ xuất hiện từ năm 1909.
“Bằng hàng loạt những hành động đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá đối với các ngư dân Việt Nam, quấy nhiễu các hoạt động thăm dò nhiên liệu trong khu đặc quyền kinh tế, tiêu điểm là hai vụ phá hoại cáp thăm dò của Việt Nam trong vòng 200 hải lý vào ngày 26 tháng 5 và 9 tháng 6 vừa qua. Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”, lời của giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông của Bộ Quốc phòng Úc. Còn hai nhà nghiên cứu về đại dương và trật tự xã hội Choi Yearn-hong và KohChoong-suk, thì Trung Quốc đã làm Châu Á mất lòng tin.
Không những vậy, với việc liên tiếp tiến hành các cuộc tập dượt quân sự trên biển và công khai trang bị các chủng loại vũ khí chiến đấu trên biển mới, nước này đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang và gây nên những bất ổn mới trên vùng biển Đông yên bình.
Biển Đông giờ đã động. Trên bề nổi, vấn đề kinh tế gồm tiềm năng thủy sản và dầu mỏ và tuyến đường giao thương là thứ được nhắc đến rất nhiều nhất như là nguyên nhân của các tranh chấp nhưng sâu xa trong đó là sự căng mình trong chiến thuật quân sự của Trung Quốc.
Tiến sĩ Tetsuo Kotani, thuộc Viện Nghiên cứu chính sách hải dương của Nhật chỉ ra rằng, thu hút sự chú ý bằng những câu chuyện về tài nguyên năng lượng và thuỷ sản, ý đồ thực sự phía sau mà TQ không hề muốn nhắc đến chính là chiến lược quân sự hạt nhân trên biển.
Sở hữu một hệ thống đánh chặn tên lửa hạt nhân trên biển đáng kể là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược quân sự của TQ. Mặc dù chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Xia-Class, chưa bao giờ tuần tiễu trên biển kể từ khi được công bố vào thập niên 80, TQ vẫn đang trên đà tăng tốc với việc cho ra mắt tên lửa có tầm bắn ước tính đạt 8000km và cả các loại tên lửa xuyên lục địa. Với các kế hoạch cho ra mắt 5 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và một căn cứ tàu ngầm trên đảo Hải Nam, mục đích ôm trọn biển Đông như của để dành của TQ là rất rõ rệt.
Tuy nhiên, một cánh tay không thể che khuất bầu trời và một mình Trung Quốc không thể ôm trọn biển Đông cùng những quần đảo trong đó vì đây là vùng biển quốc tế và chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bất khả xâm phạm.
Bản thân tài liệu của chính người Trung Quốc như Hải Ngoại Ký Sự của Thích Đại Sán đã cho biết Chúa Nguyễn sai thuyền khai thác các sản vật từ các tàu bị đắm ở Vạn Lý Trường Sa, tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Các tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã xuất hiện liên tục qua các đời: từ đầu thời Chúa Nguyễn (tức đầu thế kỷ XVII), sang thời Tây Sơn rồi tới triều Nguyễn (từ vua Gia Long), Việt Nam có khoảng gần 30 tư liệu các loại, đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam hết sức rõ ràng.
Bài viết của tác giả Kim R. Holmes, cựu trợ lý ngoại giao của Mỹ, đăng trên trang washingtontimes, đã gửi đi một thông điệp rất rõ ràng rằng Trung Quốc không có quyền coi đó là cái hồ của mình. “Không chỉ coi biển Đông là khu vực độc quyền ảnh hưởng mà TQ còn cho đó là chủ quyền lãnh thổ của nước này. Không phải vậy.Phần lớn khu vực là vùng biển quốc tế. TQ không có quyền giả vờ giả vịt coi đấy là biển riêng của mình”, tác giả này viết.
Đồng lòng tát biển
Với quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, VN luôn khẳng định muốn giải quyết các tranh chấp không thông qua vũ lực mà là đàm phán hòa bình dựa trên việc tôn trọng chủ quyền lãnh thổ bằng việc tuân thủ quy định của quốc tế.
Thượng nghị sĩ Mỹ, Jim Webb và James Inhofe đã phản đối tuyên bố bất hợp lý của Trung Quốc và đệ trình một dự thảo nghị quyết lên thượng viện Mỹ để yêu cầu chính phủ Mỹ có lập trường cứng rắn và rõ ràng hơn về biển Đông.
Nhật bản, với lợi ích về kinh tế với 90% lượng dầu nhập khẩu vào nước này được vẩn chuyển qua đây, biển Đông là quyền lợi sát sườn cũng buộc phải hành động. Trong cuộc họp 2+2 giữa Mỹ và Nhật Bản mới đây, hai nước này đã đưa việc duy trì an ninh hàng hải và tăng cường quan hệ với ASEAN, Úc và Ấn Độ vào các mục tiêu chiến lược chung.
Nhưng trên hết, bằng sự đồng lòng của một khối Đông Nam Á thống nhất chính là nguồn gìn giữ hòa bình trên biển Đông. Tại hội nghị khu vực Đông Nam Á diễn ra ở Bali, Indonesia, chương trình nghị sự về biển Đông đã được đưa ra bàn bạc để đạt được một Hướng dẫn về Ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông tại hội nghị khu vực các nước Đông Nam Á diễn ra ở Bali, Indonesia vừa qua.
Bản thân Trung Quốc, sau khi vấp phải làn sóng phản đối của quốc tế và mặc dù vẫn tiếp tục phản đối quốc tế hóa vấn đề biển Đông, Trung Quốc cuối cùng cũng phải kiềm chế trước làn sóng bất bình của dư luận thế giới.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Cảnh Nhạn Sinh đã phải xuống nước khẳng định lại rằng Trung Quốc tôn trọng quyền tự do hàng hải ở biển Đông khi tàu thuyền và máy bay của các nước liên quan đi qua vùng biển này theo luật pháp quốc tế.
Sẽ phải mất nhiều nỗ lực nữa để thuyết phục Trung Quốc tôn trọng những quy định quốc tế rút lại tuyên bố 9 đoạn và hợp tác cùng các bên liên quan để đi đến được một thỏa thuận về quy tắc ứng xử trên biển Đông. Nhưng Việt Nam luôn sẵn sàng ngồi vào bàn thảo luận quốc tế để giải quyết các tranh chấp một cách ôn hòa và hợp lý. Bởi suy cho cùng, biển Đông không phải là đại dương mà nó là biển nhỏ có nhiều nước cùng chia sẻ. Trung Quốc không thể có tuyên bố vượt xa 200 hải lý là khu vực đặc quyền kinh tế hay là khu vực thềm lục địa trên khu vực này.
Và như kết luận của hai nhà nghiên cứu Choi Yearn-hong và KohChoong-suk thì đã đến lúc phải xem lại quyền hạn về khu đặc quyền kinh tế và khu vực thềm lục địa. Không quốc gia nào được quyền vi phạm khu ĐQKT và thềm lục địa. Biển và đại dương là thuộc sở hữu của toàn nhân loại chứ không phải của một kẻ siêu cường cũng như là của những quyền lực khác.
Hoa Tạ