Biển chỉ đường
(Ảnh minh họa, nguồn: báo Dân Trí) |
Biển chỉ dẫn giao thông (chỉ dẫn các địa điểm đến, các lối rẽ, địa danh,...) là một phần quan trọng với người đi đường, thậm chí cả khi đi theo sự chỉ dẫn của hệ thống chỉ đường tự động trên xe ở nhiều nước có hệ thống này hoạt động tốt như Mỹ hay Châu Âu, đó là khi đến chỗ có ngã rẽ, chỉ dẫn tiếng nói trên hệ thống sẽ chỉ dẫn theo những biển chỉ dẫn có trên đường, ví dụ "hãy đi vào làn phải, hướng về phía Stuttgart"...
Một trong những đặc thù của hệ thống biển chỉ đường của nhiều nước là bạn hoàn toàn có thể lái xe đến nơi cần đến nếu quan sát và theo hệ thống chỉ đường, điều này đúng cả với những nước sử dụng ngôn ngữ tượng hình như Hàn Quốc, Nhật bản, Đài loan và đương nhiên, rất tốt ở Châu Âu, Hoa Kỳ.
Hệ thống biển chỉ dẫn được thiết kế tốt, rõ ràng, đầy đủ và cùng với hệ thống phân làn rõ ràng trên đường là những yếu tố nổi bật, và quan trọng là nó được thiết kế dựa trên nhu cầu của người đi trên đường. Đây có lẽ là điểm khác biệt lớn khi so sánh với hệ thống biển chỉ đường ở Việt Nam.
Hãy nhìn vào các đường cao tốc mới để xem, sẽ thấy những đặc thù của việc thiết kế biển chỉ dẫn ở nước mình. Ví dụ trên đường Láng Hoà Lạc (đại lộ Thăng Long) có rất nhiều biển chỉ dẫn không có bất kỳ tác dụng nào, ví dụ một loạt biển chỉ dẫn "Nút giao XXX", mà gần Hà Nội nhất là "Nút giao Seagame" để chỉ chỗ đường Lê Quang Đạo giao cắt với đường cao tốc qua... đường hầm, không liên quan tẹo nào đến mấy ông đang đi trên cao tốc này cả. Hay ở gần đấy có cái biển chỉ dẫn "Trường đại học XYZ..." nào đó, trong khi biển chỉ dẫn vào khu Mỹ Đình thì lại đề là "Trung tâm Hà Nội"...
Các nút giao cắt lập thể còn tệ hơn, khi bạn gần như chỉ có thể hiểu các biển chỉ dẫn nếu chẳng may ở gần đó có anh xe ôm đang đứng chờ, và lái xe với tốc độ khoảng 100km/tuần để đảm bảo đủ thời gian đọc tất cả những gì ghi trên biển báo, và suy ngẫm xem, ví dụ cái đường ghi trên biển chỉ dẫn sẽ dẫn bạn đi tiếp đâu. Chẳng hạn trên nút giao thông Pháp Vân, bạn sẽ chẳng thể nào tìm được chỉ dẫn để đi Lạng Sơn/ Bắc Ninh/ Hải Dương/ Hải Phòng/ Sân bay Nội bài,...
Có rất nhiều những biển chỉ dẫn khiến bạn thậm chí băn khoăn không biết nên làm thế nào, ví dụ trên cao tốc mới khánh thành Hà Nội - Lào cai có tới hai biển khác nhau ở cạnh nhau có chữ Lào Cai thì đi với hai cái mũi tên chỉ ngược nhau, cái chỉ xuống đất, cái chỉ lên trời.
Thêm một thứ nữa, là thông thường ở các điểm vào/ra đường cao tốc, sẽ có làn riêng cho người rẽ phải/rẽ trái từ mấy trăm mét trước chỗ rẽ, chỉ dẫn khi đó còn được sơn trên mặt đường để người đi xe chắc chắn mình không nhầm, là thứ mà ở mình tôi hầu như chưa gặp.
Hoặc một thứ đơn giản khác, nếu ở các thành phố khác bạn không khó khăn lắm để đi theo các biển chỉ dẫn có hình máy bay và đi ra sân bay, thì ở mình, biển chỉ dẫn này gần như không tồn tại. Trên con đường mới nối Hà Nội với sân bay Nội Bài, bạn sẽ chẳng thể nào tìm được một cái biển chỉ dẫn có tác dụng, bạn hoàn toàn có thể bối rối vì không biết lối vào sân bay ở đâu vì các biển chỉ dẫn dường như được thiết kế chỉ dành cho người đi bộ đọc.
Biển chỉ dẫn giao thông, đặc biệt trên những con đường mới làm, cho phép đi với tốc độ cao, không chỉ để tạo ra sự thuận tiện cho người đi trên những con đường ấy, nó còn là yếu tố quan trọng để không có những cú phanh, cú rẽ bất ngờ, vốn tiềm tàng tai nạn. Trong nhiều trường hợp khác, nó còn giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông, ví dụ như có khá nhiều người vì "đi nhầm" đến cuối đường buộc phải đi vào trung tâm, trong khi họ chỉ cần lên đường vành đai để đi đâu đó.
Tôi nghĩ vấn đề sẽ nằm ở cách tiếp cận. Hệ thống biển chỉ dẫn ở nước mình cần thiết phải được làm lại, làm mới dựa trên nguyên tắc phục vụ người đi trên đường, phân tích xem những người đi trên các con đường ấy cần biết những gì, cùng với việc phân tích các nguyên tắc điều khiển xe và khả năng nhìn thấy và xử lý của họ.
Làm thế tất nhiên là không đơn giản, nhưng nếu không làm bây giờ thì bao giờ chúng ta mới có được hệ thống biển chỉ dẫn có khả năng hướng dẫn và giúp người đi đường đi đến đúng chỗ họ muốn đến.
À, tất nhiên, còn có cả chuyện biển tiếng Anh nữa, nhưng đấy lại là chuyện ở một chỗ khác, lúc khác.
Vấn đề đơn giản này có thể đang nằm ở một chỗ rất điển hình với người Việt, là coi việc thiết kế hệ thống biển chỉ dẫn là chuyện nhỏ, có thể vì chúng ta vốn quen và chỉ thích làm chuyện lớn chăng.