Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ứng cử đại biểu HĐND TP
Ngày 20/3, ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng cho hay, qua kết quả hiệp thương lần 2 nhằm thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2016-2021, Ủy ban Bầu cử TP Đà Nẵng đã tiếp nhận được 10 hồ sơ ứng cử ĐBQH do các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn giới thiệu và 03 hồ sơ tự ứng cử.
Hội nghị hiệp thương lần 2 biểu quyết nhất trí danh sách sơ bộ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị TP Đà Nẵng và đại biểu HĐND TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2016 - 2021 (Ảnh: HC) |
Như vậy, danh sách sơ bộ ứng cử ĐBQH khóa XIV tại Đà Nẵng là 13 người (chưa kể 02 người do TƯ giới thiệu về Đà Nẵng ứng cử). Qua lấy ý kiến cử tri tại nơi công tác hoặc cư trú, cả 13 hồ sơ ứng cử ĐBQH đơn vị TP Đà Nẵng đều có tỉ lệ tín nhiệm đạt 100%. Hội nghị hiệp thương lần 2 hôm 18/3 vừa qua cũng đã nhất trí 100% đối với 13 hồ sơ này.
Lãnh đạo chủ chốt của Đà Nẵng được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV là ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy. Được giới thiệu ứng cử ĐBQH chuyên trách là ông Nguyễn Bá Sơn, Chánh Thanh tra TP Đà Nẵng. Đơn vị duy nhất có 2 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH là Sở Tư pháp, gồm Giám đốc Sở Võ Thị Như Hoa và Trưởng phòng Hành chính tư pháp Nguyễn Thị Thanh Bình. Tổng số ĐBQH đơn vị TP Đà Nẵng được bầu là 6.
Trong số 98 người ứng cử đại biểu HĐND TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2016-2021 có 05 hồ sơ tự ứng cử. Qua lấy ý kiến cử tri tại nơi công tác hoặc cư trú thì có 89 người đạt mức tín nhiệm 100%, 01 người đạt tín nhiệm 99,6%; 02 người đạt tín nhiệm 98,41% và 01 người đạt mức tín nhiệm 48,65%. Ông Nguyễn Đăng Hải giải thích, trường hợp đạt mức tín nhiệm dưới 50% vẫn được lập danh sách là đúng quy định vì đây mới là danh sách sơ bộ, còn các bước khác của quy trình hiệp thương để sau hội nghị hiệp thương lần thứ 3 mới chính thức chốt danh sách ứng cử viên.
Lãnh đạo chủ chốt của Đà Nẵng được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2016-2021 có ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư; ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng; ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP; ông Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng... Tổng số đại biểu HĐND TP Đà Nẵng được bầu trong nhiệm kỳ này là 50 người.
Theo Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng, hầu hết các hồ sơ ứng cử đáp ứng đúng yêu cầu về thủ tục, điều kiện giới thiệu hoặc tự ứng cử. Thành phần ứng cử viên được các cơ quan, đơn vị giới thiệu theo cơ cấu cũng đạt yêu cầu định hướng về tỉ lệ nữ, trẻ, người ngoài đảng và dân tộc ít người. Trong 13 ứng cử viên ĐBQH có 7 nữ (trong đó có 02 nữ dưới 30 tuổi, 02 người ngoài Đảng); trong 98 ứng cử viên đại biểu HĐND TP có 33 nữ, 15 trẻ, 15 ngoài Đảng. Riêng cử tri tôn giáo chỉ có 1 ứng viên tham gia ứng cử đại biểu HĐND TP là đại diện của Giáo hội Phật giáo TP.
Phần lớn ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND TP Đà Nẵng là những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ khá cao và đạt mức tín nhiệm cao của cử tri nơi cư trú hoặc công tác. Các cơ quan, đơn vị được phân bổ cũng đã xem xét lựa chọn giới thiệu người ứng cử phù hợp cơ cấu, trình độ năng lực, địa vị chức vụ tương đương nhau.
Dự kiến sau hội nghị hiệp thương lần 2, từ ngày 20/3 - 12/4, Ủy ban MTTQVN cấp xã phường sẽ tiến hành trao đổi với cơ quan, tổ chức, đơn vị có người được giới thiệu ứng cử để tổ chức hội nghị cử tri, lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND; nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với người tự ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND.
Để bảo đảm công tác này đúng quy định, Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng sẽ tổ chức hướng dẫn việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri. Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng cũng hết sức lưu ý các địa phươg đơn vị phải bảo đảm quyền bình đẳng của các ứng cử viên trong việc tổ chức lấy yứ kiến cử tri và vận động bầu cử.
Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng cũng cho hay, từ ngày 24 – 30/3 sẽ triển khai 7 đoàn giám sát, kiểm tra công tác bầu cử tại Ủy ban MTTQVN 14 phường xã thuộc 7 quận huyện trên địa bàn TP với 3 nội dung: giám sát nội dung thực hiện trong hiệp thương lần thứ 1; giám sát hoạt động của tổ chức phụ trách bầu cử và giám sát việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, thủ tục, hồ sơ ứng cử.
Mục tiêu của việc giám sát nhằm nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử từng thời điểm tại Ủy ban MTTQVN quận, huyện, phường, xã. Qua đó phát hiện những khó khăn vướng mắc trong thực tế triển khai bầu cử ở địa phương, những vi phạm pháp luật về bầu cử để có biện pháp hướng dẫn khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo cho cuộc bầu cử thực sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của người dân.