Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói về bạo lực học đường: "Hồi lớp 1 tôi cũng từng bị đánh"
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói về kỷ niệm thời thơ ấu của mình trước cử tri. |
Chiều 6/5, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng tổ ĐBQH đơn vị 1 đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 1 trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14.
Chia sẻ trước những bức xúc của cử tri về bạo lực học đường xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, vấn đề này có quy mô nhỏ và đã tồn tại lâu năm, tuy nhiên không giống bây giờ.
Ông Nhân vui vẻ kể rằng, vào những năm 1960 (ông Nguyễn Thiện Nhân sinh năm 1953), khi học lớp 1 đã từng bị đánh. “Mình bị đánh, hồi đó nhỏ, đau nhưng không biết làm gì khác ngoài mách cô, rồi cha mẹ, thế thôi” – ông nói.
“Nhưng bây giờ khác hồi xưa” – ông Nhân tiếp tục, đồng thời cho rằng, hiện nay các trò chơi (game) và phim ảnh bạo lực hiện quá nhiều.
“Bây giờ đánh nhau (trong game - PV) có điểm, giết bên kia chảy máu thì điểm tăng lên” – ông nói và phân tích, dù đã có quy định cấm trò chơi bạo lực nhưng vẫn cần phải xem lại, bởi những trò chơi này đang khiến bạo lực trở thành tâm lý bình thường.
Để khắc phục tình trạng này ông Nhân đề xuất, phụ huynh phải có vai trò trước hết trong hướng dẫn con cái; tiếp đến là trách nhiệm của thầy cô cùng các hoạt động của đoàn, hội trong trường học để các em hiểu nhau, từ đó chia sẻ, thông cảm cho nhau.
“Cuối cùng, văn hóa người Việt là văn hóa yêu thương. Khi chúng ta đối xử với nhau bằng yêu thương thì sẽ nhận lại yêu thương” – ông Nhân cho hay.
Đề cập đến việc gian lận điểm thi tại một số địa phương, người đứng đầu Thành ủy khẳng định “không chỉ ngành giáo dục mà Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý nghiêm”.
Theo ông Nhân, cơ quan chức năng sẽ điều tra xem cha mẹ của các học sinh được nâng điểm đã can thiệp từ góc độ nào. “Nếu áp lực từ vị trí của mình sẽ là tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn”, nếu áp lực từ chỗ đưa tiền sẽ bị truy tố tội “Hối lộ” – ông Nhân phân tích.
Cũng trong buổi tiếp xúc ông Nguyễn Thiện Nhân kể lại câu chuyện trải qua trong chuyến công tác tại Phần Lan vào năm 2008, khi ông còn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo.
Đó là khi hỏi phía bạn về cách thức xếp hạng giáo viên, ông đã nhận được câu trả lời “té ngửa”. Cụ thể, Phần Lan không xếp hạng giáo viên, bởi mọi người đều coi đây là nghề rất đáng tự hào nên những người làm nghề giáo đều cố gắng hết sức mình và những người giỏi nhất thường học ngành sư phạm.
Bạo lực học đường ngày càng gia tăng khiến nhiều người ngao ngán. Ảnh minh họa |
Trước đó các cử tri cũng có nhiều ý kiến phản ánh về tình hình tai nạn giao thông và việc uống rượu bia trước khi lái xe.
Cử tri Hoàng Thị Lợi dẫn ra hàng loạt vụ tai nạn thời gian gần đây và nhấn mạnh rằng, chỉ trong 3 ngày nghỉ dịp giỗ tổ Hùng Vương, cả nước đã có “66 cái giỗ khác” vì tai nạn giao thông. Bà Lợi đề nghị, cần truy tố những người dùng ma túy, uống rượu khi lái xe gây tai nạn tội “Giết người”.
Trong khi đó, cử tri Đặng Thanh Bình nhận định rằng, luật của chúng ta trong trường hợp này quy định nặng về giải quyết hậu quả, còn các nước khác mang tính ngăn ngừa.
Ông Bình cũng kể trường hợp một người bạn tại Mỹ đã bị cảnh sát “ép xe, còng tay chở về đồn” chỉ vì bị phát hiện đã uống rượu. Nhìn nhận đây là vấn đề rất đau lòng, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tới đây Quốc hội sẽ điều chỉnh luật về vấn đề này.