Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: "Không vì nhà hát mà thiếu tiền đền bù cho dân"
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định như trên khi phát biểu tổng kết Hội nghị Thành ủy lần thứ 18 diễn ra chiều 16/10.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cam kết việc xây nhà hát không ảnh hưởng đến việc bồi thường cho người dân Thủ Thiêm. |
Không vì nhà hát mà thiếu tiền đền bù cho dân
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, trước khi đề án xây dựng Nhà hát Giao hưởng – Nhạc và Vũ kịch được thông qua, thành phố đã lập nhiều đoàn khảo sát. “Nhưng có lẽ những thông tin lúc đó chưa được chuyển tải cho nhiều người hiểu nên khi chúng ta làm có nhiều ý kiến còn băn khoăn” – ông cho hay.
“Có ý kiến trên mạng nói “Tiền đền bù cho người dân chưa có, tại sao làm nhà hát?" Hai chuyện hoàn toàn khác nhau, việc đền bù cho người dân Thủ Thiêm chúng ta đang làm theo quy trình” – ông Nhân cho hay.
Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định, sau khi có Kết luận thanh tra, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp nhiều lần và có chỉ đạo. Hiện Ủy ban đang xây dựng 11 giải pháp, sau khi xây dựng xong sẽ gặp dân để tìm sự đồng thuận.
“Tiền đền bù cho dân theo giải pháp này là sử dụng ngân sách, không đụng chạm gì đến nhà hát cả, tiền xây nhà hát là chúng ta giữ lại từ mấy năm trước (tiền bán đất-PV). Phải nói rõ, việc xây dựng nhà hát không ảnh hưởng gì đến việc bồi thường cho người dân. Hai cơ chế khác nhau và đảm bảo không vì nhà hát mà thiếu tiền đền bù cho dân” – Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cam kết.
Đề cập đến Nhà hát thành phố hiện nay, ông Nhân cho rằng công trình này được người Pháp xây từ 100 năm trước và chỉ phục vụ cho khoảng 100.000 người. Nhưng hiện nay thành phố có tới 10 triệu dân với 5 triệu lao động, trong số đó 30% có trình độ đại học, cao đẳng cùng 100.000 người nước ngoài.
“Ngoài việc góp phần thỏa mãn nhu cầu trực tiếp, nhà hát còn là chỗ đào tạo và hình thành nhu cầu cho những người chưa có” – ông Nhân chia sẻ, đồng thời cho biết ngoài nhạc giao hưởng, opera, múa ba-lê thì nhà hát còn có thể biểu diễn cải lương.
Một năm bỏ ra 900 triệu đồng thuê chỗ tập
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cũng nhắc đến hoàn cảnh khó khăn của các nghệ sĩ hiện nay. Ông nói: “Đoàn hát của mình có từ năm 1993, đến nay đã 25 năm rồi. Từ 20 nghệ sĩ bây giờ là 200 người ở cả 3 bộ môn, nhưng đang phải “ở đợ”. Văn phòng thì dưới Nhà hát thành phố, chỗ tập nhạc thì ở rạp Thanh Vân, còn múa thì ở lầu 3 Thư viện khoa học tổng hợp. Một năm thành phố cấp tiền thuê là 900 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Thiện Nhân còn nhấn mạnh, công trình này đã được Thủ tướng phê duyệt và lẽ ra phải hoàn thành từ năm 2015.
Giải thích lý do đưa nhà hát về Thủ Thiêm, ông Nhân cho biết, ban đầu thành phố dự tính xây nhà hát ở công viên 23/9 nhưng do ở đó có 3 mặt giáp đường, lại là “công viên của nhân dân” nên sau đó TP quyết định đưa về Thủ Thiêm.
Theo ông, Thủ Thiêm có quy hoạch bốn công trình văn hóa lớn là nhà hát, công viên bờ sông, trung tâm triển lãm và quảng trường trung tâm, do vậy đưa về đây là “có sự phân tích”.
Trước những ý kiến so sánh việc xây nhà hát với số tiền đầu tư cho y tế, giáo dục, ông Nhân đưa ra con số thống kê như sau: “Riêng trong nhiệm kỳ này (2016 - 2020) tiền xây trường học và bệnh viện là 34.000 tỷ, gấp gần 23 lần tiền xây nhà hát. Nếu so với tiền xây trường học, bệnh viện của 3 nhiệm kỳ gần đây là 57.860 tỷ, gấp gần 38 lần. Còn nếu so với tổng chi ngân sách của 3 khóa gần đây là 355.000 tỷ thì tiền xây nhà hát chiếm 0,4%. Đây là số tiền không nhỏ nhưng chúng ta đã có kế hoạch”.
Từ sự việc vừa qua, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thành phố cần “rút ra bài học” trong việc thông tin đến người dân.
Lý giải về chữ “bất thường” trong kỳ họp thông qua nhà hát, ông Nhân cho hay: “Chữ bất thường do luật quy định, nếu không họp định kỳ vào tháng 6 và 12 thì là bất thường hết. Nhiều người tưởng có gì giấu diếm hay gì đó nhưng không phải”.