Bí thư Đinh La Thăng: Thông tin bưng bít thì dân làm sao giám sát được?
Khung cảnh buổi hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2015. |
10 năm phát hiện hơn 2.000 tỷ sai phạm về kinh tế
Ngày 8/3 Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2015.
Báo cáo trước hội nghị, ông Trần Thế Lưu – Trưởng ban nội chính Thành ủy cho biết năm qua chưa có trường hợp nào thuộc diện quản lý của Ban thường vụ Thành ủy phải xử lý về hành vi tham nhũng.
Tuy nhiên ở sở ngành đã có một số trường hợp bị xử lý như vụ việc của bà Lại Thị Kim Khánh (Phó giám đốc Trung tâm tư vấn đấu thầu và hỗ trợ đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư đòi 15.000USD để cấp giấy phép đầu tư nước ngoài) đã bị cảnh cáo về mặt đảng và chính quyền.
Trong khi đó lực lượng Công an TP cũng cho biết qua thanh tra, kiểm tra đã kỷ luật 98 cán bộ có liên quan đến tham nhũng, 22 chỉ huy cũng bị liên đới trách nhiệm và bị xử lý bằng hình thức phê bình rút kinh nghiệm hay cắt, hạ thi đua.
Số liệu của lực lượng Thanh tra TP cũng cho thấy trong 10 năm 2006 – 2015 nơi này đã phát hiện sai phạm về kinh tế là 2.194 tỷ đồng và 39.000USD cùng những sai phạm về quản lý sử dụng đất trên 3.154.002 mét vuông. Kết quả, cơ quan này đã thu được 607 tỷ đồng và 112.692 mét vuông đất.
Cũng trong khoảng thời gian này CATP đã thụ lý điều ra 152 vụ án tham nhũng với 463 bị can. Tổng số thiệt hại của những vụ án này là trên 600 tỷ đồng và hiện đã thu hồi được gần 41 tỷ đồng.
Tham nhũng, tiêu cực hay lãng phí?
Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng trong năm vừa qua, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng những gì đạt được chỉ là bước đầu và công tác phát hiện phòng ngừa vẫn còn nhiều hạn chế so với mục tiêu, yêu cầu kế hoạch đề ra và sự kỳ vọng của nhân dân.
“Công tác tự phát hiện còn yếu, chủ yếu qua công tác thanh tra mới phát hiện ra, tỷ lệ thu hồi tài sản thấp, tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng được dư luận quan tâm còn rất chậm. Tệ tham nhũng vẫn còn và đang là vấn đề nhức nhối” – ông Thăng nhận định.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng. |
Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng cơ bản là quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước chưa thực sự trở thành động lực, trở thành hành động của tất cả các cấp, các ngành.
Chính vì vậy ông Thăng yêu cầu phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, và nhấn mạnh người đứng đầu phải liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng tại địa phương, cơ quan và chịu trách nhiệm khi những nơi này xảy ra tham nhũng, lãng phí nhưng không xử lý.
Sau đó ông Thăng cũng đưa ra các ví dụ cụ thể và đặt câu hỏi liệu đó có phải là tham nhũng: “Người ta vừa nhắn tin cho tôi, tôi chuyển cho anh Bỉnh đấy, bệnh viện Củ Chi xây cái vỏ 2 năm rồi thiết bị không đấu thầu được, đấy là lãng phí đấy, đấy có tiêu cực không? Rồi Hải quan thì sáng nay doanh nghiệp người ta nói, khi kiểm định chất lượng thép chỉ cần đưa cái máy cầm tay áp vào là xong, thế mà bắt người ta cắt ra rồi đưa ra một trung tâm tư vấn theo chỉ định của Hải quan. Đấy là tham nhũng, tiêu cực hay lãng phí?” – ông Thăng nói.
Cũng từ việc đó ông Thăng yêu cầu ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế về chuẩn bị và chậm nhất là từ tháng 4 tới phải trả lại tất cả quyền tự chủ cho bệnh viện.
“Không thể có chuyện tiền của bệnh viên mà ông lại mang đi đấu thầu, tại sao 43 bệnh viện tư nhân không đầu thầu mà người ta mua được giá thấp nhất mà nhà nước lại đấu thầu để mua giá thuốc cao” – ông Thăng đặt câu hỏi.
“Vậy nên các cơ quan đơn vị đừng nghĩ tham nhũng là ở nơi khác, mà phải luôn rà soát kiểm tra lại chính đơn vị mình để xem có việc đó không” – ông Thăng tiếp tục.
Ngoài ra, ông Thăng cũng yêu cầu phải công khai minh bạch thu chi của TP để người dân giám sát.
“Ít nhất người dân phải biết được năm 2016 tiền chi cho trồng cây xanh là bao nhiêu, vệ sinh môi trường là bao nhiêu, các dự án như thế nào... Chúng ta cứ nói giám sát, phản biện xã hội mà thông tin thì bưng bít thì làm sao giám sát được?” - ông Thăng nói.
Về việc xử lý cán bộ tham nhũng, ông Thăng yêu cầu phải công khai kết quả và Ban Thường vụ Thành ủy sẽ ban hành quy định cụ thể để điều chuyển, thay thế những cán bộ lãnh đạo có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, uy tín giảm sút.
“Kết luận phải rõ ràng, minh bạch xem có sai không? Có đúng không? Mức độ như thế nào? Ai là người chịu trách nhiệm? Có tên, địa chỉ, đơn vị, chỗ nào rút kinh nghiệm, chỗ nào xử lý hành chính, chỗ nào chuyển cơ quan điều tra… phải rõ ràng và kết luận sớm. Càng kéo dài thì càng bị tác động bởi nhiều phía rồi những biên bản thanh tra sẽ bị méo mó, không còn như ban đầu nữa” – ông Thăng đưa ý kiến chỉ đạo.