Bí thư Đà Nẵng: Việc chỉ 3-5 phút xử lý xong mà ngâm 3 tuần không sao?
Sáng 7/12, kỳ họp thứ 3 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX tiến hành thảo luận tại hội trường nhằm đánh giá tình hình, phân tích những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ năm 2016. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Xuân Anh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận 5 nhóm vấn đề: kinh tế, ngân sách, quản lý tài nguyên; quản lý đô thị; văn hóa xã hội; pháp chế, cải cách hành chính; việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND TP.
Ông Nguyễn Xuân Anh phát biểu tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
Về việc đẩy nhanh thủ tục xây dựng cơ bản (trong nhóm vấn đề kinh tế, ngân sách, quản lý tài nguyên), ông Nguyễn Xuân Anh cho hay, theo đánh giá thì hiện vẫn còn rất chậm, dẫn đến nhiều dự án đến cuối năm mới triển khai được. Vốn xây dựng cơ bản giải ngân rất chậm, và Đà Nẵng vẫn đang lặp đi lặp lại tình trạng tới mùa mưa, tới những tháng cuối năm mới bắt đầu khởi công các công trình, gây nên bức xúc rất lớn trong nhân dân.
“Đề nghị các đại biểu phân tích sâu tại sao thủ tục lại chậm như thế? Có ý kiến đặt vấn đề có tiêu cực, quan liêu hay không? Thậm chí có dư luận là có một số cán bộ, công chức nếu không có “bôi trơn” thì thủ tục không chạy được. Có hay không việc này?” – ông Nguyễn Xuân Anh đặt vấn đề.
Theo đại biểu Huỳnh Minh Chức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng, công tác phòng, chống tham nhũng phải rà soát, đề xuất loại bỏ những cản trở về thể chế và những thủ tục hành chính dễ tạo điều kiện sách nhiễu và tham nhũng. Những vụ việc tham nhũng do cán bộ, đảng viên dưới quyền quản lý trực tiếp gây ra nhưng lãnh đạo không nắm được, không quản lý được, không phát hiện được tham nhũng xảy ra ở đơn vị mình mà cơ quan chức năng phát hiện thì người đứng đầu đó phải chịu trách nhiệm, phải có văn hóa từ chức.
Trong khi đó, báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của UBND TP chỉ nêu lên những hạn chế ở một số địa phương, đơn vị và chủ đầu tư và có biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung vì chưa chỉ rõ địa chỉ của địa phương, đơn vị, chủ đầu tư nào hạn chế. “Không có địa chỉ cụ thể, không xác định được trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân thì không có tác dụng chỉnh đốn được!” – Đại biểu Huỳnh Minh Chức nói.
Đại biểu Huỳnh Minh Chức cũng đề nghị, công tác thanh, kiểm tra cần đổi mới, tập trung chuyên đề, giảm bớt vụ việc và có sự phối hợp giữa các đơn vị thanh, kiểm tra, tranh thanh tra chồng chéo. Ông nhấn mạnh: “Hiện nay có địa phương, đơn vị một năm phải tiếp đón hơn 10 đoàn kiểm tra cũng cùng một nội dung khiến các đơn vị cơ sở phải dành nhiều thời gian tiếp đón các đoàn thanh, kiểm tra!”.
Theo Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, thủ tục xây dựng cơ bản của Đà Nẵng vẫn còn rất chậm vì lý do khách quan lẫn chủ quan. Khách quan là do thực hiện theo quy định chung, nhưng chủ quan như ông nêu: “Có nhiều người phản ảnh với tôi là có một số bộ phận, một số chuyên viên rất chậm chạp, người ta phải gặp năm, ba lần. Cái này là có, mình phải nhìn nhận thẳng như thế. Có tình trạng phải có “bôi trơn” thì thủ tục mới chạy được hay không?
Cái này tôi nói thẳng là tuyệt đối không được để xảy ra. Một chuyên viên chậm năm, ba ngày thì kéo theo sự chậm trễ cả dây chuyền, vì thế mà cuối năm mới khởi công được. Mình khộng làm được công trình gì lớn trong một năm cả do thủ tục xây dựng cơ bản rất chậm chạp. TP.HCM liên tục khởi công các công trình lớn, vài ba trăm tỉ đối với người ta là nhỏ, còn mình chỉ vài ba chục tỉ mà rất chậm chạp. Tiền không đưa vào lưu thông thì làm sao kinh tế phát triển được?”.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Xuân Anh, tuy thủ tục hành chính của Đà Nẵng dẫn đầu cả nước nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề cần khắc phục, đặc biệt là việc xử lý văn bản rất chậm. Thậm chí Văn phòng UBND TP có văn bản xin ý kiến tham mưu của Sở nhưng sau 3 tuần chưa thấy trả lời mà vẫn không sao, trong khi đó chỉ là một nội dung rất nhỏ bé, chỉ vài dòng, có thể 3 – 5 phút là xử lý xong.
“Khâu xử lý văn bản ở các chuyên viên rất chậm. Tôi cho rằng chuyên viên là rất quan trọng, nhiều khi quan trọng hơn cả thủ trưởng. Ông chuyên viên chậm thì văn bản chưa lên tới trưởng, phó phòng, chưa lên tới phó Văn phòng, chưa lên tới lãnh đạo Ủy ban được. Một chuyên viên mà đạo đức công vụ kém, cứ ngâm văn bản thì không biết làm sao mà xử lý. Tôi đã đích thân ghi vào mấy văn bản, so sánh mốc thời gian, gửi cho Chánh Văn phòng Ủy ban để các anh lưu ý chấn chỉnh. Nhiều thông báo chỉ có dòng thôi mà phải mất cả tháng. Mình nói chứ mình cũng chưa xử lý được ai cả!” - ông Nguyễn Xuân Anh nói.