Bí thư Đà Nẵng: "Tôn trọng người tài không chỉ nói miệng"
Bí thư Đà Nẵng: "Tôn trọng người tài không chỉ nói miệng"
Ông yêu cầu Ban chỉ đạo Đề án phát hiện, chọn lựa những người tài giỏi thực sự trong các lĩnh vực để lãnh đạo TP đối thoại, biểu dương trước Tết Nhâm Thìn.
Ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ảnh: Internet |
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Đề án, trong năm 2011, TP đã phê duyệt danh sách 41 học viên, nâng tổng số học viên tham gia đề án lên 418 người. Trong đó, sau đại học có 90 người (18 tiến sĩ, 72 thạc sĩ), đào tạo đại học ở nước ngoài 174 người, còn lại học trong nước. Tổng kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2006 - 2011 hơn 240 tỉ đồng.
Đáng quan tâm là trong 219 học viên đã tốt nghiệp chỉ mới có 194 người được bố trí công tác (gồm 94 đại học và 55 sau đại học). Kể cả trong số 2 người học xong chương trình tiến sĩ thì cũng chỉ mới có Tiến sĩ Hoàng Phương (chuyên ngành Động lực máu và phẫu thuật tim - Bệnh viện C Đà Nẵng) nhận công tác.
Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Đặng Công Ngữ cho biết thêm, đa số các cơ quan sử dụng đánh giá cao nguồn nhân lực này nhưng còn than phiền một số yếu kém về kỹ năng, ngoại ngữ. Ngược lại, 24% số người được bố trí công việc cho biết họ không hài lòng do không sát chuyên môn đã học, khó được thăng tiến. Đồng thời đang có tình trạng "vừa thừa vừa thiếu". Phần lớn là người học các lĩnh vực kinh tế trong khi các lĩnh vực y tế, giáo dục vốn đang khan hiếm nhân lực chất lượng cao lại ít người chọn học.
Đặc biệt, có đến 48% học viên được đào tạo chuyên ngành sâu ở nước ngoài nhưng lại về làm hành chính. Do chênh lệch giữa đào tạo và sử dụng nên họ gặp trở ngại nhất định, không phát huy hết tài năng, kiến thức. Vì vậy đã có hơn 10 học viên vi phạm hợp đồng đã ký với đề án (không chấp hành bố trí công tác và tốt nghiệp không đạt yêu cầu) dẫn tới phải thu hồi kinh phí hàng tỉ đồng.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đánh giá, những kết quả khiêm tốn trên đây là "chưa tương xứng với đồng tiền bát gạo" mà TP Đà Nẵng đã bỏ ra để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông yêu cầu trong thời gian tới cần tập trung cho việc phát triển nhân lực chất lượng cao của ngành y tế, giáo dục và công nghệ thông tin.
Theo đó, trong năm 2012, Đà Nẵng tập trung huy động 30 - 50 chỉ tiêu học sinh THPT loại khá, giỏi đi học ngành y tại các trường đại học y khoa trong nước và nước ngoài bằng nguồn ngân sách TP nhằm bổ sung nguồn nhân lực hiện đang rất thiếu và yếu tại các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện; đồng thời chuẩn bị nguồn nhân lưc cho Bệnh viện Ung thư. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho hai ngành ngành mũi nhọn là giáo dục và CNTT cũng được TP ưu tiên tuyển chọn tham gia Đề án trong năm 2012.
Ban chỉ đạo Đề án cần tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan thực hiện đề án “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội TP đến năm 2015”; xây dựng chỉ tiêu về số lượng đào tạo và thu hút nhân lực cho từng ngành nghề; chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện tốt công tác dự báo nhân lực, chọn cử người tham gia Đề án và tiếp nhận học viên sau tốt nghiệp…
"Chỉ đào tạo chưa đủ mà quan trọng là phải tạo môi trường làm việc tốt để nguồn nhân lực chất lượng cao phát huy hết năng lực. Nếu môi trường cống hiến không tốt thì người tài sẽ dần thui chột tài năng" - ông Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh.
HẢI CHÂU