Bẻ “nanh vuốt” bọn buôn người, giải cứu “sơn nữ”
Tuyên truyền, nâng cao ý thức là cách tốt nhất để phòng chống tội phạm mua bán người (ảnh minh họa) |
May mắn thoát khỏi “động quỷ”
Theo thống kê của Đội Phòng ngừa và đấu tranh chống tệ nạn xã hội mua bán người (gọi tắt là Đội Phòng chống mua bán người, Phòng PC45-Công an tỉnh Đắk Lắk), tính từ năm 2008-2014, cơ quan đã phát hiện 16 vụ mua bán người, với 29 nạn nhân. Trong số đó, lực lượng chức năng đã khám phá được 4 vụ, truy tố 11 bị can về hành vi mua bán người.
Điển hình, vào tháng 9/2009, thông qua người quen, Nguyễn Văn Nam (trú tại buôn Yang Lành, xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) biết được số điện thoại của một người phụ nữ tên Mai (khoảng 54 tuổi, quê quán Từ Sơn-Bắc Ninh) đang sống tại Hà Khẩu, Vân Nam-Trung Quốc.
Qua điện thoại, bà Mai có nói với Nam là tìm phụ nữ đưa sang Trung Quốc để bán hàng với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Toàn bộ chi phí đi lại Mai sẽ chi trả hết và trả cho Nam 2 triệu/1 phụ nữ.
Sau đó, Nam đã rủ chị H’D Ayun, trú tại xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) và chị Nguyễn Thị Kim K (ngụ xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) đi Lào Cai làm việc với mức lương cao. Tin lời, hai người phụ nữ nói trên đồng ý đi theo Nam.
Đường vào xã vùng sâu Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk. |
Ngày 5/12/2009, Nam đưa H’D và K đến Lào Cai thuê nhà nghỉ ngủ lại. Đến sáng hôm sau, bà Mai cho Lăng Thị Thêm (trú tại thôn La Tẻ, xã Tân Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đến TP.Lào Cai để đón 2 người phụ nữ trên sang Trung Quốc. Khi cả nhóm đến bến đò trên sông Nậm Thi (giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc), chuẩn bị vượt biên trái phép thì bị lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai phát hiện, bắt giữ, kịp thời giải cứu hai sơn nữ thơ ngây này.
Tương tự, vào ngày 13/8/2011, qua công tác kiểm tra, lưu trú tại nhà nghỉ H.G (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội), lực lượng chức năng phát hiện một nhóm đối tượng có biểu hiện đưa một số phụ nữ sang Trung Quốc nên tiến hành bắt giữ để đấu tranh.
Trong quá trình làm việc, đối tượng Tạ Đình Hoan (SN 1984, thôn Thăng Qúy, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) khai rằng, Hoan có dì ruột là Nguyễn Thị D đang sinh sống tại Trung Quốc, làm nghề chủ chứa nuôi mại dâm. D đã bàn với Hoan tìm cách đưa phụ nữ qua Trung Quốc bán để phục vụ mục đích kinh doanh của mình.
Sau đó, Hoan đã móc nối với Nguyễn Văn Tuấn (SN 1988), Biện Thị Hương (SN 1983, ngụ cùng địa phương với Hoan) để tìm kiếm những phụ nữ còn trẻ, chưa có chồng để lừa sang Trung Quốc bán lấy tiền.
Đến ngày 10/8/2011, cả nhóm tìm được 04 phụ nữ, có độ tuổi từ 17-30 chuẩn bị đưa qua biên giới thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng đã bắt khẩn cấp thêm hai đối tượng khác là Lê Thị Phượng (SN 1984, ngụ thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk) và Lê Thị Hoa (42 tuổi, quê Quảng Ninh) về hành vi mua bán người.
Phòng hơn chống
Mới đây, ông Hoàng Văn Giàng (SN 1966, ngụ thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) nước mắt ngắn dài mang đơn gửi đến lực lượng chức năng, trình báo việc con gái của mình là Hoàng Thị C (SN 1998) đã bỏ đi biệt tích hơn 2 tháng nay.
Ông Giàng kể: “Khi đi, C không hề nói gì với gia đình, chỉ để lại mảnh giấy báo là đi lấy chồng xa. Tôi gọi điện hai ngày đầu thì chuông vẫn đổ, sang ngày thứ 3 thì chẳng có tín hiệu nữa. Đến ngày 8/12/2016, con gái mới gọi về cho một người bạn trong thôn, nói rằng đang bị công an Trung Quốc bắt giữ vì vượt biên trái phép”.
Theo trình bày của ông Giàng, vào ngày 25/10/2016, trong lúc vợ chồng ông đang hái cà phê thuê ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông thì nghe người thân báo tin con gái đã bỏ đi. Khi trở về nhà, người cha liên tục gọi điện nhưng C không bắt máy, hỏi thăm xung quanh xóm giềng cũng không ai hay tin cô gái này ở đâu. Kiểm tra lại tủ áo quần và giường ngủ của C, ông Giàng phát hiện được một mảnh giấy với nội dung “con đi lấy chồng xa, cha mẹ đừng tìm”.
Cũng theo ông Giàng, C là con gái thứ 3 trong gia đình, tính tình ngoan hiền. Bình thường cô gái này ít ra ngoài, chỉ quanh quẩn phụ giúp cha mẹ việc cơm nước, quét nhà. Trong lần gọi điện về, C cho biết mình bị kẻ xấu lừa gạt rồi đưa qua Trung Quốc chứ không có chuyện đi lấy chồng như lời hứa hẹn.
Đường vào thôn Noh Prông (xã Hòa Phong) nơi từng có nhiều sơn nữ sập bẫy các đối tượng buôn bán người. |
Trao đổi với Infonet, ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng công an xã Hòa Phong cho biết, trước đây một số đối tượng xấu đã về địa phương, dùng nhiều thủ đoạn gian dối, lời lẽ ngon ngọt để dụ dỗ các cô gái nhà lành đưa qua biên giới. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp trên, UBND xã Hòa Phong cùng Ban công an xã đã phối hợp với các đoàn thể, tổ chức tại địa phương tiến hành tuyên truyền rộng rãi, nâng cao ý thức của bà con, không nghe theo lời dụ dỗ, lôi kéo của những đối tượng lạ.
“Trong 3 năm qua, địa phương không có nạn nhân nào sập bẫy của những đối tượng buôn bán người. Có được thành công này, phải nhờ sự chung tay, góp sức của các đoàn thể, tổ chức từ cấp trên đến cơ sở và tinh thần cảnh giác, mạnh dạn tố giác tội phạm của bà con. Riêng trường hợp của cháu C, hiện tại CQĐT cấp trên đang tiến hành xác minh làm rõ theo đơn trình báo của gia đình, chưa có kết luận cuối cùng”, ông Thành thông tin.
Theo Thiếu tá Lê Hồng Hải, Đội trưởng Đội Phòng chống mua bán người-PC45, Công an tỉnh Đắk Lắk, nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục của các cơ quan ban ngành nên ý thức cảnh giác của bà con tại các huyện, xã vùng sâu đã được nâng cao. Trong 3 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận vụ án nào liên quan đến việc mua bán người.
Thiếu tá Hải cho biết: “Các đối tượng trong đường dây mua bán người hoạt động rất tinh vi, xảo quyệt, khó phát hiện. Đây là loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận, tác động lâu dài đến tâm sinh lý các nạn nhân. Để đối phó với loại tội phạm này, cách tốt nhất chính là tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức cho bà con, đặc biệt là bà con tại các huyện, xã vùng sâu vùng xa. Những năm qua, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp tốt với chính quyền cấp cơ sở, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đã đẩy lùi được loại tội phạm này. Tuy nhiên, chúng tôi không lơ là, chủ quan, luôn cử trinh theo dõi, nắm bắt địa bàn, cảnh giác cao độ để đấu tranh triệt để với loại hình tội phạm này”.