Bé 6 tuổi tử vong ở Gateway: Tưởng niệm bằng hoa và nến hơn là im lặng, đổ lỗi
Sự việc đau lòng xảy ra tại trường Quốc tế Gateway khiến một học sinh lớp 1 tử vong nghi do bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường đã khiến nhiều người xót xa. Ngày hôm qua, trước cổng trường học, một số phụ huynh đã đến thắp nến, đặt hoa tưởng nhớ bé. Hành động này đã vấp phải sự phản đối của trường Gateway và không ít phụ huynh đang có con theo học tại trường.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, Mỹ lại cho rằng "điều này thể hiện hành động rất nhân văn của cộng đồng dành cho bé và gia đình".
Được sự đồng ý của tác giả, Infonet xin đăng bài viết này. Tựa đề do tòa soạn đặt.
Hình ảnh tưởng niệm những học sinh bị thiệt mạng được TS Nguyễn Hồng Vũ nêu ra trong bài viết |
Đến hôm nay đã hơn 3 ngày kể từ khi bé Long được phát hiện bị tử vong trong xe đưa rước học sinh của trường Quốc tế Gateway ở Hà Nội. Sự việc này đang được dư luận quan tâm rất nhiều vì đây là một tai nạn không đáng có ở một trường học và nhất là trường học “được cho là theo tiêu chuẩn quốc tế”.
Nguyên nhân cái chết của bé “nghi do bị bỏ quên trên xe” đến nay vẫn chưa có một kết luận cuối cùng, nhiều câu hỏi vẫn còn chờ lời giải đáp, nhiều tình tiết vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Trong thời gian chờ các giải thích và kết luận của công an điều tra dựa trên các chứng cứ hiện trường và kết quả xét nghiệm tử thi thì nhiều phụ huynh đã làm một hành động rất đẹp đó là làm tưởng niệm nhỏ cho bé Long trước cổng trường bằng cách đặt hoa, đốt đèn cầy…
Tuy nhiên, việc này lại bị ban giám hiệu nhà trường phản đối và “đề nghị mọi người không thực hiện các hoạt động tưởng niệm trước cổng trường vì chính lợi ích và tương lai của các con về cả mặt học thuật, xã hội, thể chất và cảm xúc”! Theo tôi đây là một phản ứng bất hợp lý và vô cảm của nhà trường!
Nói tới chuyện tưởng niệm tại chỗ người xấu số qua đời vì bệnh tật hoặc tai nạn bất ngờ bằng hoa và đèn cầy đã và đang được thực hiện ở rất nhiều nơi trên thế giới. Đối với những buổi tưởng niệm mà nạn nhân là trẻ em thì còn có thú nhồi bông và bong bóng.
Ở các nước châu Á như Việt Nam thì còn có nhang, bánh và trái cây. Việc tưởng niệm sau ngày người đó mất nhằm mục đích thể hiện sự chia sẻ tình cảm, sự quan tâm, củng cố tinh thần của những người chung quanh cho gia đình có người đã mất.
Ngoài ra, nếu những buổi tưởng niệm này cho những nạn nhân mất vì những vụ án hiếp dâm, giết người, khủng bố,… còn tạo được áp lực cộng đồng cho nhà chức trách thực thi công lý một cách đúng đắn và đem lại công bằng cho người đã mất!
Để minh họa, tôi có mượn hình ảnh của hai hoạt động tưởng niệm đã diễn ra ở trường học. Bức ảnh thứ nhất là hình nơi tưởng niệm một em học sinh tiểu học trường Willard tên Joanna Ramos, 10 tuổi, bị mất vì tụ máu ở não do bạn cùng lớp đánh!.
Chỗ tưởng niệm được đặt ngay trước lối ra vào trường học để tất cả mọi người có thể cùng chia sẻ nỗi đau này và nhắc nhở nhà trường có trách nhiệm hơn trong công tác quản lý để sự việc không xảy ra nữa.
Bức ảnh thứ 2 là chỗ tưởng niệm cho một em học sinh trung học trường Northlake tên Joshua Acosta, 12 tuổi, chết trong lớp học không rõ nguyên nhân. Trong lúc chờ cảnh sát điều tra dựa trên khám nghiệm tử thi thì mọi người và bạn bè đã làm lễ tưởng niệm ở chỗ các bậc thang trong trường để tưởng nhớ bạn mình và là lời nhắn nhủ cho nhà chức trách hãy tìm lời giải đáp cho vụ việc này như lời mẹ của em ấy nhắn gửi là “'All I want is answers” (Tất cả điều tôi muốn là những câu trả lời).
Tóm lại, tôi không hề thấy có gì đó không chính đáng hoặc ảnh hưởng đến tinh thần các em nhỏ qua buổi tưởng niệm cho bé Long. Mặt khác, đó còn thể hiện một hành động rất nhân văn của cộng đồng dành cho bé và gia đình của bé.
Tôi chắc chắn rằng anh Sơn, cha của bé Long, đã rất khó khăn khi đưa ra quyết định cho làm giám định pháp y con mình khi anh nhận ra có nhiều điều không rõ ràng trong cái chết này. Một quyết định mà chắc chẳng ai muốn nếu cái chết của người thân mình không có điểm gì hoài nghi!
Mấy ngày nay tôi thấy có nhiều bạn hô hào mọi người là “đừng nhắc vụ này nữa để không làm đau lòng người nhà bé Long” là không đúng! Chính sự im lặng và hờ hững của cộng đồng trước cái chết của bé! Chính những sự đổ thừa vô tội vạ như “tại sao không tự đưa trẻ đi học, tại sao không huấn luyện trẻ cách thoát hiểm”! Hoặc chính những sự so sánh cẩu thả như “chuyện này ở đâu cũng có thể xảy ra, bên Mỹ mỗi năm còn chết vài chục đứa như thế này”! mới là những lưỡi dao cứa vào tim vào gan cha mẹ bé…
Hy vọng bài viết của tôi giúp các bạn hiểu việc tưởng niệm bằng hoa & đèn cầy cho bé có ý nghĩa như thế nào và điều mà gia đình anh Sơn đang cần là “SỰ THẬT” về cái chết của bé Long chứ không phải sự im lặng, trách móc, đổ thừa & đánh trống lảng từ cộng đồng...