Bất ổn có thể đến từ ngành ngân hàng?
Bất ổn có thể đến từ ngành ngân hàng?
>Ban hành "tình trạng khẩn cấp" về giao thông?
>Ngân sách 2012: Lo ngại bội chi
Sự xuất hiện số lượng lớn các ngân hàng mới tiềm ẩn nguy cơ bất ổn nếu không được quản lý bằng những chính sách chặt chẽ |
Trong sáng nay ý kiến của các đại biểu tập trung thảo luận vào những hạn chế, yếu kém cần khắc phục, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, đại biểu chú trọng phân tích về tình hình xu hướng nợ xấu trong tín dụng tăng, lãi suất ngân hàng cao; khó khăn của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; Những bất cập về chế độ đối với cán bộ công chức cấp xã, phường, thị trấn theo Nghị định 92 của Chính phủ…
Đại biểu Nguyễn Bá Thanh - TP Đà Nẵng cho rằng: Sau Kết luận 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của các Bộ, ngành Trung ương, sự cố gắng của các địa phương thì tình hình đã có khá dần lên, giá cả những tháng gần đây cũng tăng chậm lại. Dù vậy, nhìn chung cho đến nay thì tỷ lệ lạm phát ở nước ta vẫn còn quá cao, đồng đôla thì bị mất giá, đồng bạc Việt Nam còn bị mất giá hơn. Lạm phát cao có nhiều nguyên nhân, giá thế giới biến động tăng, do chúng ta nhập siêu tăng, do bội chi ngân sách lớn, do đầu tư công, chi tiêu công dàn trải, lãng phí và thiếu hiệu quả, do năng xuất lao động thấp v.v...
Hàng loạt ngân hàng mới ra đời, nâng cấp hàng chục ngân hàng nông thôn, trong khi quản lý Nhà nước đang yếu dẫn đến mất kiểm soát. Vì vậy, cần cải tổ ngành ngân hàng nhưng phải hết sức thận trọng và có bước đi thích hợp. Sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của ngành ngân hàng, nhưng sự bất ổn của nền kinh tế nếu có xảy ra trong tương lai sẽ bắt đầu từ chính những yếu kém của ngành, đại biểu Thanh nhận định.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, ý kiến các đại biểu đề nghị: Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, các đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nhanh nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; giải quyết quyết liệt các vấn đề xã hội và môi trường bức xúc. Xây dựng đồng bộ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế vùng, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp gắn với phát triển sản xuất, giải quyết việc làm. Chú trọng khuyến khích xã hội hóa đầu tư, trong đó chú ý tập trung cho lĩnh vực y tế và giáo dục…
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm nhấn mạnh, vấn đề cử tri rất mong muốn 2 nhiệm kỳ nay cũng như Thủ tướng đã có ý kiến khẳng định, đó là phải lập lại bằng được trật tự kỷ cương trong điều hành, trong quản lý, đặc biệt là quản lý kinh tế và quản lý xã hội. Nếu chúng ta thực hiện đạt hiệu quả cao trong những vấn đề này thì đó sẽ là những điều kiện để thoát ra khỏi sự khó khăn trong tình hình hiện nay, cũng là những yếu tố để tạo nên lòng tin của cử tri, của xã hộị…
Hà Phương