Bắt 52 tên lừa đảo xuyên quốc gia tại TP.HCM
Sáng 6/12, hơn 50 cảnh sát thuộc các phòng nghiệp vụ và lực lượng đặc nhiệm Công an TPHCM phối hợp với Công an Q.2 bất ngờ ập vô 2 căn biệt thự trên đường Nguyễn Văn Hưởng và căn biệt thự F13 nằm trong khu biệt thự Thảo Điền 1, đường Nguyễn Văn Hưởng (P.Thảo Điền, Q.2).
Công an chở các đối tượng lừa đảo từ biệt thự trên đường Nguyễn Văn Hưởng về biệt thự F13 trong khu biệt thự Thảo Điền 1 |
Tại biệt thự trên đường Nguyễn Văn Hưởng, lực lượng công an bắt quả tang 22 nam, 5 nữ là người Đài Loan và Trung Quốc đang sử dụng các thiết bị công nghệ cao như voice IP, bộ đàm, internet… gọi cho những người đang sống ở Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan và một số quốc gia Đông Nam Á để lừa đảo. Ngay khi thấy công an ập vào, một đối tượng đã nhảy qua cửa sổ định trốn nhưng rơi xuống ao và bị trinh sát bên dưới bắt gọn.
Ở hướng biệt thự F13 trong khu biệt thự Thảo Điền 1, công an bắt quả tang thêm 19 nam, 4 nữ cũng đang dùng công nghệ cao để lừa đảo. Tiến hành khai thác nhanh, công an tiếp tục bắt thêm 1 trong những đối tượng cầm đầu khi tên này đang đứng ngoài đường gọi xe taxi định tẩu thoát.
Tại hiện trường, tang vật bị thu giữ gồm 21 laptop, 18 modem dùng kết nối internet, 58 voice IP, 77 điện thoại bàn, 25 ĐTDĐ các loại, 77,8 triệu đồng, trên 6.000 USD, 127.400 nhân dân tệ. Đặc biệt, công an phát hiện và thu giữ tại 2 căn biệt thự trên hơn 200 kịch bản được dùng để lừa đảo.
Trung tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Chánh Văn phòng Công an TPHCM, cho biết đây là băng nhóm tội phạm hoạt động xuyên quốc gia. Nạn nhân của chúng thường là người Trung Quốc sinh sống ở một số thành phố lớn tại Trung Quốc, Đài Loan và một số nước Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia…
Để qua mặt lực lượng cảnh sát quốc tế, băng nhóm này liên tục luân chuyển địa bàn hoạt động. Ở mỗi nước chúng chỉ ở khoảng một tháng, thông qua visa du lịch. Trong 52 đối tượng bị bắt giữ, có 49 người Đài Loan, 3 người Trung Quốc. Bước đầu điều tra, cơ quan công an đã xác định được 5 đối tượng cầm đầu, đồng thời tạm giữ một đối tượng người Việt (chuyên đi thuê nhà cho băng nhóm tội phạm ở).
Thủ đoạn của băng tội phạm này giả danh người của cục công an, thuế vụ hoặc ngân hàng nào đó ở Trung Quốc. Khi đã có thông tin của nạn nhân, chúng dùng voice IP để thông báo cho nạn nhân là công an hoặc sở thuế đang theo dõi. Khi nạn nhân gọi điện lại, băng nhóm này cho nạn nhân số điện thoại (mã vùng của Trung Quốc). Trong lúc nạn nhân trò chuyện, băng tội phạm bật còi hụ giống như đang làm việc tại cục cảnh sát và để một số đối tượng khác nói vọng vào điện thoại là đã bắt tên A, B, C… nào đó chưa khiến người ở đầu dây bên kia tưởng đang nói với cảnh sát thật. Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân cung cấp số tài khoản của mình và không nhận ngay mà yêu cầu gửi cho nhóm đối tượng khác cùng số điện thoại khác. Bước 3, khi nạn nhân gọi cho nhóm đối tượng cuối cùng, lúc này bắt đầu mất tiền trong tài khoản.
Vụ án vẫn đang được mở rộng điều tra nhằm xem xét mức độ thiệt hại, số nạn nhân, vì mỗi ngày băng tội phạm trên gọi hàng ngàn cuộc đến các nước xung quanh để lừa đảo.
Theo Người lao động