Bảo vệ môi trường đường thủy nội địa
Các phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường |
Nguy cơ ô nhiễm môi trường
Theo các con số thống kê cho thấy, trong 5 năm, tổng số phương tiện thủy nội địa đã tăng từ gần 12 nghìn phương tiện (2007) lên hơn 26 nghìn phương tiện (năm 2012). Lượng hàng vận chuyển cũng tăng từ gần 6,3 triệu tấn/năm lên hơn 12 triệu tấn/năm và số người tham gia giao thông bằng loại phương tiện này tăng từ gần 370 nghìn người (năm 2007) lên gần 540 nghìn người (năm 2012). Theo đó, số lượng phương tiện vẫn liên tục tăng cả về số lượng và công suất. Và với xu hướng này trong tương lai sẽ còn tiếp tục tăng do nhu cầu vận tải và do yêu cầu phát triển của xã hội.
Việc tăng số người, số phương tiện tham gia hoạt động vận tải thủy nội địa một cách nhanh chóng góp phần phát triển KT-XH nói chung. Tuy nhiên, hoạt động này cũng gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Các nguồn có khả năng gây ô nhiễm bao gồm: Dầu, hóa chất trên tàu; các loại hàng nguy hiểm vận chuyển bằng tàu; rác thải, nước thải; sơn chống hà sử dụng cho thân tàu; các vật liệu độc hại dùng để đóng tàu (amiăng, kim loại nặng, hóa chất); hoạt động cắt phá tàu cũ....
Tăng cường quản lý môi trường giao thông ĐTNĐ
Trước nguy cơ kể trên, nhiều cơ quan chức năng của Bộ GTVT, đặc biệt là Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tham gia xây dựng, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và tiêu chuẩn về phòng ngừa ô nhiễm đường thủy nội địa. Trong đó, đặc biệt quan trọng là Luật Giao thông đường thủy nội địa và nhiều nghị định, thông tư, quyết định liên quan của Chính phủ và các bộ, ngành.
Thời gian qua, Bộ GTVT, Bộ KHCN cũng đã ban hành nhiều tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc gia đối với phương tiện thủy nội địa, trong đó có, quy định về ngăn ngừa ô nhiễm và bảo vệ môi trường đối với phương tiện. Các tiêu chuẩn, quy phạm này được ban hành từ năm 2005. Đến nay, các tiêu chuẩn này đã và đang được chuyển thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để phù hợp với Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và với các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường tương đương với các quốc gia tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là tiêu chuẩn của tổ chức OTHK mà Cục Đăng kiểm Việt Nam là một thành viên.
Theo chức năng được giao, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ban hành nhiều hướng dẫn về bảo vệ môi trường đường thủy nội địa liên quan đến các nguồn gây ô nhiễm khác nhau từ phương tiện thủy nội địa. Hàng năm, Cục ĐKVN đã tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường đối với phương tiện thủy nội địa cho các bên liên quan, đặc biệt là các đơn vị thiết kế, nhà máy chế tạo, chủ các phương tiện...
Bên cạnh đó, Cục ĐKVN cũng tập trung xây dựng nguồn nhân lực thực hiện công tác đăng kiểm liên quan đến bảo vệ môi trường giao thông đường thủy nội địa. Để đảm bảo công tác này, Cục ĐKVN đã tập huấn cho cán bộ đăng kiểm của 28 đơn vị thuộc Cục ĐKVN và 49 đơn vị đăng kiểm thuộc các sở GTVT về kiểm tra phương tiện. Trong đó, có kiểm tra các trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm trên phương tiện thủy nội địa, không ngừng nâng cao chất lượng công tác ngăn ngừa ô nhiễm môi trường của phương tiện.
Không chỉ có vậy, cơ quan đăng kiểm còn tập trung thẩm định thiết kế và tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường của phương tiện thủy nội địa, phù hợp với các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn của quốc gia về bảo vệ môi trường từ lúc đóng mới phương tiện. Qua đó, có nhiều ý kiến tư vấn xác đáng nhằm làm tăng hiệu suất sử dụng của trang thiết bị và phương tiện, góp phần làm giảm lượng tiêu hao nhiên liệu và làm giảm lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, giám sát và chứng nhận trong quá trình chế tạo các trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm; Kiểm tra phương tiện thủy nội địa trong quá trình đóng mới.
Đặc biệt, việc kiểm tra phương tiện thủy nội địa trong quá trình khai thác được các đơn vị đăng kiểm thực hiện một năm một lần để đảm bảo tàu và các trang thiết bị liên quan luôn được duy trì thỏa mãn các quy định về an toàn và bảo vệ môi trường biển. Công việc này có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của chủ sở hữu, người khai thác phương tiện và thuyền viên trong việc duy tu, bảo dưỡng phương tiện luôn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường.