Bão số 7 gây nhiều thiệt hại cho giao thông, thuỷ lợi miền Trung
3 người chết, mất tích, bị thương do bão số 7
Mưa lũ lớn đã gây nhiều thiệt hại cho giao thông, thuỷ lợi miền Trung - Ảnh: HC |
Theo đó, đã có 104 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng (Quảng Ngãi 2; Bình Định: 100, Kon Tum: 2) với tổng khối lượng đất, đá, bê tông bị sạt lở, trôi, bồi lấp là 11.407m3 (Quảng Ngãi 540m3; Bình Định 2.000m3 và nặng nhất là Phú Yên 8.867m3). Ngoài ra, tại Phú Yên còn có 670m đê kè bị hư hại và cuốn trôi.
Do mưa lũ lớn nên cũng đã có 32.020m đường giao thông bị ngập lụt (Phú Yên 13.020m, Đắc Lăk 19.000m) cùng với 19.442m3 đường giao thông bị sạt lở, hư hại (Quảng Ngãi 10.100m3; Bình Định: 200m3; Phú Yên 9.042m3; Gia Lai 100m3).
Sản xuất nông nghiệp cũng chịu nhiều thiệt hại với 263ha lúa vụ ba đang vào kỳ thu hoạch bị ngập, hư hại (Bình Định 120ha, Phú Yên 53ha, Gia Lai 90ha). Cùng chung tình trạng này là 2.367ha hoa màu (Quảng Ngãi 0,7ha; Bình Định 244ha; Phú Yên 329,4ha; Gia Lai 0,5ha, Đăk Lăk: 1.792ha).
Bên cạnh đó, bão số 7 và mưa lũ lớn cũng đã khiến 04 nhà dân bị sập đổ, cuốn trôi (Quảng Ngãi 1 nhà, Phú Yên 3 nhà); 538 nhà bị sập, ngập, hư hại (Đăk Lăk 490 nhà, Gia Lai 48 nhà) và 23 nhà bị tốc mái, hư hỏng (Quảng Ngãi 8 nhà, Bình Định 15 nhà).
Thống kê đến thời điểm này cũng cho thấy tại các tỉnh trong khu vực đã có 1 người chết (ở Đăk Lăk), 1 người mất tích (ở Quảng Nam) 2 người bị thương (ở Quảng Ngãi và Bình Định) do bão số 7. Ngoài ra tại Đà Nẵng còn phát hiện một thi thể trôi dạt vào bờ biển cảng Tiên Sa trong thời gian diễn ra cơn bão, hiện đang xác minh danh tính.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương thì tổng giá trị thiệt hại ban đầu do bão số 7 ở một số tỉnh trong khu vực là 34,76 tỉ đồng (Bình Định 13,56 tỉ; Phú Yên 7,2 tỉ; Gia Lai 2 tỉ; Kon Tum 7 tỉ; Đăk Lăk 5 tỉ). Hiện các địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, đồng thời kiểm tra, rà soát, tổng hợp thiệt hại cụ thể.
Theo Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên, hiện lũ trên các sông từ Nam Quảng Bình đến Phú Yên và khu vực Bắc Tây Nguyên đã đạt đỉnh. Đỉnh lũ trên các sông đều ở mức báo động (BĐ) 1- 2, có nơi trên BĐ2 như sông Trà Khúc tại cầu Trà Khúc 5,12m, trên BĐ2: 0,12m; sông Đà Rằng tại Phú Lâm 2,97m, trên BĐ2: 0,27m; sông Ba tại Ayunpa 155,86m, dưới BĐ3: 0,14m; sông Srêpôk tại Bản Đôn 173,55m, trên BĐ2: 0,55m...
Các hồ chứa thuỷ lợi vừa và lớn từ Quảng Bình đến Ninh Thuận còn ở mức thấp, một số hồ đạt 70 - 80% dung tích thiết kế. Các hồ khu vực Tây Nguyên và tỉnh Khánh Hòa đã tích nước từ 80 - 100% dung tích thiết kế; một số hồ đã đầy như Suối Trầu (Khánh Hòa), Đắc Uy (Kon Tum), Đắc Yên (Kon Tum), Biển Hồ (Gia Lai).
Đáng chú ý là có 8 hồ đang xả điều tiết theo quy trình: Định Bình (Bình Định), Cam Ranh (Khánh Hòa), Suối Dầu (Khánh Hòa), Tân Giang (Ninh Thuận), Trà Co (Ninh Thuận), Ayun Hạ (Gia Lai), Ia Ring (Gia Lai), Ea Súp Thượng (Đăk Lăk).
Các hồ thủy điện ở khu vực miền Trung phần lớn còn thấp hơn mực nước dâng bình thường. Tuy nhiên cũng có một số hồ đang tiến hành xã lũ theo quy trình. Riêng thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) đã giảm xả lũ, hiện đang xả với lưu lượng 800m3/s (lúc 6h sáng 9/10). Nhiều hồ thuỷ điện ở khu vực Tây Nguyên (lưu vực sông Sê San, Sêrêpốk) cũng đã đầy và bắt đầu xả lũ như Ialy, Pleikrong, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4, Sê San 4A, Buôn Tua Sa, Buôn Kuốp, Srêpôk3, Srêpôk4.
Hiện khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang tiếp tục có mưa. Từ 19g tối 8/10 đến 1g sáng 9/10, một số trạm tại các tỉnh đã đo được lượng mưa lớn hơn 10mm như Sơn Tây (Quảng Ngãi) 12mm, Cam Ranh (Khánh Hòa) 21mm, Đức Xuyên (Đăk Lăk) 12mm, Đăk Nông 12mm... Và với việc nhiều hồ thuỷ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện đang tiến hành xả lũ thì khả năng ngập úng tại nhiều địa bàn sẽ còn kéo dài.