Báo chí sẽ mở chuyên trang, chuyên mục về sửa đổi Hiến pháp
Nghị quyết về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được Quốc hội thông qua vào sáng 23/11 với tỷ lệ tán thành cao (96,39%).
Mục đích của việc tổ chức lấy kiến nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp để Hiến pháp thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.
Báo chí sẽ có chuyên trang chuyên mục về sửa đỏi Hiến pháp 1992. Ảnh minh họa IT |
Lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bao gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; tổ chức bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
Tại các phiên thảo luận trong kỳ họp lần này, có ý kiến cho rằng, lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là vấn đề hệ trọng, đề nghị cần có sự lãnh đạo chặt chẽ của cấp ủy ở địa phương; tránh làm hình thức, làm rầm rộ nhưng không tập hợp, tổng hợp đầy đủ, không tiếp thu, giải trình tối đa. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại khoản 2, khoản 3 Điều 3, khoản 1 và khoản 8 Điều 6 của dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, đề nghị Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan quán triệt trong quá trình tổ chức thực hiện.
Có ý kiến còn đề nghị thể hiện rõ hơn vai trò của cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Ý kiến khác đề nghị không nên quy định trách nhiệm các cơ quan thông tấn, báo chí tổng hợp ý kiến của nhân dân, xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến của nhân dân mà chỉ nên quy định trách nhiệm đăng tin, đưa tin, mở chuyên trang, chuyên mục về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng một số điều khoản trong nghị quyết đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, qua đó cho thấy báo chí là một kênh thông tin cần thiết và quan trọng trong việc lấy ý kiến nhân dân. Để thể hiện rõ hơn vai trò của cơ quan báo chí, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã bổ sung vào khoản 9 Điều 6 quy định cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm “mở chuyên trang, chuyên mục về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đưa tin, đăng tin đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan ý kiến đóng góp của nhân dân”; đồng thời, bỏ quy định về trách nhiệm của báo chí trong việc tổng hợp ý kiến của nhân dân.